UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định phê duyệt 2 khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển nằm tại vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.
Theo đó, khu vực một có diện tích 400 ha, độ sâu 29-34 m tính từ mức "0" hệ cao độ quốc gia. Khu vực 2 có diện tích 400 ha, độ sâu 30-35 m tính từ mức "0" hệ cao độ quốc gia. Về quy mô, mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3.
Theo kết quả đánh giá, với khối lượng nhận chìm 3,4 triệu m3/khu vực thì sẽ không gây ảnh hưởng đến điều kiện môi trường sinh thái tại khu vực cửa sông, bãi tắm và các khu vực lân cận khác. Sức chứa tối đa của mỗi khu vực có thể tiếp nhận khoảng 10 triệu m3.
Về công suất, khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày là 14.400 m3. Phương tiện chuyên chở là thiết bị sà lan vận chuyển chất nạo vét có trọng tải tối đa khoảng 2.000T. Thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 8 (do điều kiện động lực trong giai đoạn này nhỏ, phù hợp cho các tàu thực hiện nạo vét và vận chuyển vật chất nạo vét đến vị trí nhận chìm).
Trường hợp tổng khối lượng nhận chìm chất nạo vét tại mỗi khu vực vượt quá 3,4 triệu m3 thì cần nghiên cứu chi tiết hơn mức độ khuếch tán vật chất nhận chìm và biến đổi địa hình đáy khu vực.
Các doanh nghiệp đơn vị có nhu cầu nhận chìm chất nạo vét tại các khu vực nêu trên phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo đúng quy định.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao trách nhiệm cho Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh.
Ngoài ra, Sở TN&MT phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quan trắc và giám sát môi trường tại các khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển theo nhiệm vụ được giao.
Sau 5 năm, Sở cần tổ chức khảo sát và đánh giá lại môi trường, đa dạng sinh học, phát tán, lan truyền vật chất ở khu vực nhận chìm để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp giấy phép nhận chìm cho các dự án tiếp theo.
Bình luận