Đèo Pha Đin nằm trên cung đường quốc lộ 6 huyết mạch nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, thuộc địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên), nơi có nhiều điểm du lịch thu hút du khách, như hang động Há Chớ, khu căn cứ cách mạng Pú Nhung; di tích khảo cổ cấp quốc gia hang Thẳm Khương (xã Chiềng Đông)...
Pha Đin được mệnh danh là cung đèo hiểm trở nhất trong trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc gồm: Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng, Khau Phạ và Pha Đin. Pha Đin được “dân phượt” trong nước và khách du lịch nước ngoài biết tới bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, bởi sự hiểm trở của cung đèo dài 32km với đỉnh cao nhất hơn 1.600m so với mực nước biển.
Tuy vậy, trước kia, du khách đều tiếc nuối khi đứng trên đỉnh đèo trơ trọi ngắm nhìn không gian hùng vĩ, bao la với những cung đường uốn lượn trong mây bồng bềnh dưới lưng đèo, thiếu vắng không gian dành cho du khách dừng chân, thưởng ngoạn.
Cho đến khi dự án mở rộng đèo Pha Đin hoàn thành, Pha Đin đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đặc biệt, đối với những người yêu du lịch khám phá, đèo Pha Đin đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vẻ đẹp vùng Tây Bắc.
Từ năm 2016 đến nay, khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass nằm trên đèo Pha Đin đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng dành cho du khách khi khám phá vẻ đẹp của một trong “tứ đại đèo”, là nơi trời và đất gặp nhau.
Biến tiềm năng thành giá trị
Nhận thấy tiềm năng du lịch quý giá của đèo Pha Đin, năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã ra đời trên tinh thần “hợp tác cùng phát triển” của 5 hộ gia đình người bản địa.
Các thành viên HTX Pha Đin đã cùng nhau đóng góp tiền để thuê 50ha diện tích đất trên đèo Pha Đin với thời hạn 50 năm để cải tạo thành Khu du lịch Pha Đin Pass. Sau hơn một năm đầu tư tâm huyết, đến nay, khu du lịch Pha Đin Pass đã cho “trái ngọt” với hàng trăm lượt khách ghé thăm mỗi ngày.
Anh Đinh Văn Tuấn - quản lý Khu du lịch Pha Đin Pass, là một trong năm hộ gia đình đã đứng ra kêu gọi các thành viên góp vốn thành lập HTX - chia sẻ, việc đứng ra vận động các gia đình góp vốn làm ăn chung không gặp nhiều khó khăn, bởi tất cả đều nhìn ra tiềm năng từ lượng khách du lịch dừng chân trên đèo Pha Đin để ngắm cảnh mỗi ngày rất đông, nhưng không có điểm dừng nghỉ cụ thể nào.
Vì thế, việc xây dựng Khu du lịch Pha Đin Pass trở thành điểm dừng chân cho du khách trên cung đèo mệnh danh “tứ đại đỉnh đèo” ở Tây Bắc là rất phù hợp.
Anh Tuấn cho biết thêm, khu du lịch được hình thành dựa trên ý tưởng muốn xây dựng một điểm nghỉ ngơi, dừng chân để du khách có thể thoải mái vui chơi, ngắm cảnh, cũng là nơi giao lưu của người dân hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Thời gian tới, khu du lịch sẽ được đầu tư xây dựng, mở rộng thêm nhiều không gian vui chơi, nghỉ dưỡng.
Từ những ngày đầu mày mò trồng hoa tam giác mạch, làm đồi chong chóng...trải qua bao lần thử nghiệm, có thất bại, có thành công, đến nay Pha Đin Pass đã trở thành điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn thung lũng hoa tràn ngập sắc màu, không gian nghỉ ngơi, vui chơi, chụp ảnh, ăn uống, cắm trại… trên những ngọn đồi được thiết chế cảnh trí hài hoà với thiên nhiên và đậm sắc màu văn hoá.
Khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass hiện đón từ 150 - 200 khách/ngày, thứ bảy và chủ nhật đón 500 - 700 khách.
Khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass không chỉ là điểm dừng chân thỏa lòng du khách mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, HTX thu hút khoảng 50 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Nếu xét trên mặt bằng thu nhập của lao động địa phương ở hai xã Phồng Lái, Mường É (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) thì đây là một mức lương khá tốt.
Bên cạnh các hoạt động du lịch, HTX Du lịch Pha Đin còn có các gian hàng giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương với nhiều loại trái cây đặc trưng vùng núi Tây Bắc như: hồng, bưởi, mận, đào, ổi...
Đâylà tiền đề quan trọng để HTX phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, công việc nhà nông, giúp du khách giải trí, rèn luyện thể lực, gần gũi với thiên nhiên.
Bình luận