Theo báo cáo, trong tháng 2, lạm phát toàn phần của Việt Nam tăng 1,5% so với tháng đầu năm, là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.
Mặc dù những ảnh hưởng của Tết đóng một vai trò quan trọng, nhưng giá điện tăng mạnh cũng được xem là một động lực chính. Sau khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trợ giá điện một lần vào tháng Giêng, theo Tổng cục Thống kê, giá điện đã tăng 20% so với tháng trước.
Trong khi đó, giá lương thực đang tăng và chi phí vận tải cao hơn cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao. Mặc dù biến động giá điện có thể chỉ là sự điều chỉnh hành chính chỉ diễn ra một lần, nhưng giá thực phẩm và chi phí vận tải sẽ là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ, vì cả cả hai đều có tỉ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung, với tỉ trọng lần lượt là 34% và 10%
Song đáng chú ý, nếu không tính đến những biến động diễn ra trong dịp Tết, giá thịt heo chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai tháng đầu năm 2021.
Trong khi việc giá thịt heo tăng chậm lại là điều đáng khích lệ, giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao đang gây ra rủi ro tăng giá. HSBC kỳ vọng giá thực phẩm sẽ giảm đáng kể sau khi năm ngoái đã có mức tăng 10%.
HSBC nhấn mạnh vào việc có một số áp lực tăng lạm phát từ giá vận tải cao hơn (HSBC dự báo Giá dầu thô Brent tăng 34% lên 56 USD/thùng vào năm 2021).
Ngoài yếu tố cung và cầu, một yếu tố khác là tỉ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát, được HSBC dự đoán sẽ ổn định trong năm nay.
Dựa trên tất cả yếu tố này, HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%, chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực. Lạm phát vẫn có rủi ro tăng cao hơn do các yếu tố như giá thực phẩm, giá dầu và chi phí chăm sóc sức khỏe, nhưng sẽ duy trì dưới mức trần 4%.
Một khi lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại, Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ hội để giữ chính sách tiền tệ của mình không thay đổi trong suốt năm 2021. "Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%", báo cáo HSBC cho biết.
Bình luận