• Zalo

HoSE cân nhắc phạt doanh nghiệp không có báo cáo về khí phát thải

Chuyển đổi xanhThứ Ba, 28/11/2023 16:09:56 +07:00Google News
(VTC News) -

Doanh nghiệp không có nội dung báo cáo về khí phát thải, đặc biệt thuộc danh mục lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính, có thể bị HoSE cân nhắc đưa vào điểm phạt.

Chỉ 7 doanh nghiệp niêm yết trong rổ VN100 có báo cáo đầy đủ về ESG

Thông tin trên được bà Trần Thị Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chia sẻ tại toạ đàm Thị trường tài chính carbon: Cơ hội và thách thức.

Theo bà Đào, các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên thị trường chứng khoán đã chú ý đến thực hiện báo cáo phát triển bền vững với việc công bố các mục tiêu tương ứng cho từng chỉ tiêu được báo cáo.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu việc phân tích kết quả thực hiện xuyên suốt qua các năm, chưa thể hiện được sự tích hợp của các hoạt động ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng).

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Thống kê số liệu của các DNNY trong rổ VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê ở phạm vi 1 (phát thải khí nhà kính trực tiếp từ các nguồn do doanh nghiệp sở hữu) và phạm vi 2 (phát thải khí nhà kính gián tiếp từ nguồn mua của các tổ chức khác). 

Đặc biệt, chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phạm vi 1, 2 và 3 (phát thải khí nhà kính gián tiếp trong chuỗi giá trị của mình).

"Đây là một vấn đề cho thấy, để thúc đẩy hoạt động ESG và minh bạch thông tin thì bản thân các doanh nghiệp phải có nhận thức đầy đủ và tuân thủ các quy định về báo cáo ESG một cách đầy đủ hơn nữa", bà Đào nói và mong muốn báo chí lan tỏa, thúc đẩy nỗ lực thực thi báo cáo có số liệu với các khía cạnh đầy đủ về khí phát thải nhà kính, là trách nhiệm của các doanh nghiệp đi đầu.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết thêm, sắp tới HoSE tiếp tục phối hợp cùng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan thực hiện chuỗi chương trình đào tạo về kiểm kê, báo cáo khí nhà kính cho các DNNY tại Hà Nội và TP.HCM.

"Trong năm tới, sẽ tổ chức các buổi đào tạo cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực, để từ đó các DNNY có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan", bà Đào thông tin.

Đồng thời, HoSE phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đối tác kỹ thuật sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn với sự chuẩn hóa biểu mẫu công bố thông tin, hỗ trợ DNNY thực hiện công bố thông tin chuẩn mực ra thị thường cho từng ngành nghề.

Cần công bố định kỳ phát thải nhà kính

Cùng quan điểm với bà Đào, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính Carbon - CODE cho rằng, việc báo cáo về phát thải nhà kính cần là một bản báo cáo bắt buộc công bố định kỳ bên cạnh bản báo cáo tài chính.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không phải là chỉ một vấn đề môi trường mà nó còn là cả một thời đại kinh tế, thời đại chuyển đổi bắt buộc, đặc biệt là báo cáo về phát thải, chỉ số carbon...

Trong tương lai rất gần, tôi nghĩ việc minh bạch thông tin này chắc chắn sẽ mang tính chất bắt buộc. Khi niêm yết trên sàn, bên cạnh báo cáo tài chính, các doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình", ông Lê Xuân Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa (cầm mic) cho rằng, bên cạnh báo cáo tài chính, các doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình.

TS. Lê Xuân Nghĩa (cầm mic) cho rằng, bên cạnh báo cáo tài chính, các doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng chuyện xanh hóa, phát triển bền vững, hay kinh tế tuần hoàn đang trở thành cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp. Các nước lớn, đặc biệt ở châu Âu, đang ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, rào cản sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường hơn.

Do đó,  muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường “xanh hóa” sản xuất. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ sự đồng cảm với doanh nghiệp trong bối cảnh đang chật vật để sống sót trên thị trường thì vấn đề chuyển đổi xanh hóa càng khó với nhiều doanh nghiệp.

Thị trường giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ rất sôi động

Tại toà đàm, TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TNMT cho biết, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu áp dụng sớm thị trường, đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp giảm phát thải, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ.

Mà các công nghệ để giảm phát thải lại rất đắt đỏ, ngoài chi phí mua, chuyển đổi công nghệ, còn phải xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành, làm chủ các công nghệ, máy móc đó. Tuy nhiên, chúng ta phải làm, chúng ta phải chuyển đổi, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới”, TS Bùi Đức Hiếu nói.

Liên quan đến lợi ích doanh nghiệp, ông Bùi Đức Hiếu cho rằng, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường carbon.

TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TNMT.

TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TNMT.

Về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ loài người trước tác động của biến đổi khí hậu.

Về những mặt lợi trực tiếp mà doanh nghiệp có được như tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ vì không ai cứ sống với cái cũ mãi, phải luôn làm mới mình để tồn tại và phát triển. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận.

Còn đối với các doanh nghiệp trung gian mua bán tín chỉ, sàn giao dịch, ông Bùi Đức Hiếu cho rằng đây cũng là cơ hội có thêm một sản phẩm để kinh doanh trao đổi.

Và cũng như các nước trên thế giới, tôi tin thị trường giao dịch tín chỉ của chúng ta sẽ rất sôi động”, ông Hiếu nói.

Về những thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải đó là vốn, phải thay đổi công nghệ, phải cập nhập kiến thức, nâng cao năng lực để tham gia vào thị trường tài chính xanh, thị trường carbon hoàn toàn mới.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn