Sáng 10/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ khai giảng năm học 2018 – 2019, Đại học Việt Nhật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Ibaraki (Nhật bản) để đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, hỗ trợ các hoạt động thực tập, khởi nghiệp về BĐKH và liên kết chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Nhu cầu về công nghệ, nhân lực
Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh Việt Nam là một trong 11 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH với tần suất thiên tai diễn ra ngày một tăng cao. Tuy nhiên, nước ta được đánh giá là quốc gia tiên phong trong ứng phó với BĐKH, có tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định và mức độ tổn thất về người và của được hạn chế tối đa.
“Điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã áp dụng những công nghệ có hiệu quả để ứng phó một cách kịp thời với BĐKH”, GS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ BĐKH và Phát triển, Đại học Việt Nhật nhận định.
Trong đó, công nghệ ứng phó với BĐKH của nước ta có thể được tạm chia thành 2 loại: công nghệ truyền thống hay các giải pháp kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả để ứng phó với những ảnh hưởng của BĐKH và công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Đối với các công nghệ, kỹ thuật truyền thống, Việt Nam áp dụng rất tốt. Chẳng hạn như tại Đà Nẵng, người dân sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật được tập hợp từ các vùng khác nhau, như dùng bao cát, can nước để chống bay nóc nhà hay làm bể nước bằng ni lông trên mái nhà để chống nóng…
Mặt khác, Việt Nam đã có rất nhiều công nghệ tiên tiến ứng phó với BĐKH được kế thừa từ kinh nghiệm quốc tế ở những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như ở lĩnh vực nông nghiệp, có công nghệ về gen để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với BĐKH, công nghệ tưới nhỏ giọt đề tiết kiệm nước tưới tiêu; trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, có công nghệ tạo ra năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng…
“Dù vậy, chúng ta vẫn cần có sự hỗ trợ về nghiên cứu, đào tạo và phát triển công nghệ để đạt được yêu cầu ứng phó với BĐKH ở mức độ ngày càng cao theo tình hình thực tiễn”, ông Nhuận khẳng định.
Do đó, việc chuyển giao công nghệ, liên kết, hợp tác nghiên cứu tìm ra phương pháp, công nghệ ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng ứng phó với BĐKH cần có nguồn nhân lực là các nhà khoa học, chuyên gia được đào tạo bài bản với những công cụ, kỹ thuật để thực hiện sứ mệnh này.
Hợp tác để đáp ứng nhu cầu
Do đó, nhằm thỏa mãn những yêu cầu trên, Đại học Việt Nhật đã mở Chương trình Thạc sỹ BĐKH và Phát triển có sự hợp tác với Đại học Ibaraki – một trường có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về BĐKH của các khu vực như Đông Nam Á với trung tâm là Viện Khoa học thích ứng thay đổi toàn cầu (ICAS).
Thông qua ký kết hợp tác với Đại học Ibaraki, Đại học Việt Nhật sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên ngành, trao đổi giảng viên, nghiên cứu về BĐKH giữa hai trường. Đồng thời, sự hợp tác này sẽ là cầu nối tăng cường giao thoa giữa hai nền KHCN cũng như văn hóa tại Việt Nam và Nhật Bản, mang đến những tác động tích cực trong đối phó với BĐKH để phát triển bền vững.
Cụ thể, GS. Nobuo Mimura, Giám đốc Đại học Ibaraki cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế của Việt Nam, Đại học Ibaraki sẽ lựa chọn những công nghệ quan trọng nhất trong các lĩnh vực như công nghệ đánh giá, dự đoán khí hậu và tác động của BĐKH; công nghệ thích ứng sản xuất kinh doanh tái tạo; công nghệ tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo từ thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng trong giao thông… để ưu tiên chuyển giao cho Việt Nam nhằm ứng phó với sự thay đổi do tác động của BĐKH.
Trong đó, ông nhấn mạnh các công nghệ trong việc đánh giá, dự đoán khí hậu và tác động của BĐKH đối với từng lĩnh vực có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi từ những kết quả này, việc nghiên cứu, phát triển những công nghệ ngày một tiên tiến hơn nữa nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của BĐKH sẽ càng có chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, từ đây, xu hướng về công nghệ bền vững, khoa học bền vững sẽ được nhân rộng tại Việt Nam, nắm bắt kịp thời với xu hướng tất yếu này của thế giới.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy việc chuyển giao các công nghệ để đánh giá cụ thể quá trình thực hiện và kết quả của việc ứng phó, giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH”, ông Nobuo nói thêm.
Về phần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng áp dụng các công nghệ tiên tiến ứng phó với BĐKH của Đại học Việt Nhật, ông Nhuận cho biết Chương trình BĐKH và Phát triển của Đại học Việt Nhật được xây dựng dựa trên chương trình giảng dạy của Đại học Ibaraki, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của Việt Nam, đào tạo cho người học khả năng giải quyết các vấn đề, cung cấp kỹ năng, trí thức mang tính học thuật về nguyên lý, ảnh hưởng và phát triển bền vững liên quan đến BĐKH.
Đại học Việt Nhật, trường đại học thành viên thứ 7 của Đại học Quốc gia Hà Nội, thành lập ngày 21/7/2014 và bắt đầu đào tạo thạc sĩ từ 9/9/2016. Trường nhất quán trong mục tiêu theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu để hướng tới một nền kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững.
Các chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường có tính liên ngành, bao quát các lĩnh vực khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật cao và khoa học bền vững, gồm: Khu vực học, Kỹ thuật môi trường, Chính sách công, Kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ Nano, Quản trị kinh doanh và Biến đổi khí hậu và phát triển. Từ năm 2019, Trường sẽ bắt đầu đào tạo đại học.
Bình luận