Các bệnh viện Hong Kong nhiều tuần qua lâm vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, số người chết tăng lên. Chưa đầy ba tháng kể từ khi bùng phát đợt dịch mới, Hong Kong ghi nhận hơn 800.000 ca nhiễm và hơn 6.500 ca tử vong vì nCoV, phần lớn là những người cao tuổi chưa tiêm vaccine.
Các nhà tang lễ của thành phố này cũng đang kín lịch tới giữa hoặc cuối tháng 4. "Dù giới chức đã tăng công suất các lò hỏa táng để xử lý 260-280 thi thể mỗi ngày, tình hình vẫn chưa được giải quyết", chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tang lễ Hong Kong Kwok Hoi-bong cho hay.
Các nhân viên y tế kiệt sức khi phải làm việc tới 80 tiếng/tuần. Làn sóng Omicron quét qua các viện dưỡng lão cùng tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến Hong Kong trở thành nơi ghi nhận tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.
Sự đổ vỡ của hệ thống y tế
Đây là điều ít ai có thể ngờ tới khi mà Hong Kong từng giữ số ca nhiễm và tử vong ở mức rất thấp trong gần 2 năm dịch bùng phát.
Calvin Kong, bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện công nói ông và các đồng nghiệp đang sống trong "địa ngục trần gian", gợi nhớ lại những ngày đầu dịch tại Vũ Hán năm 2019.
"Chúng tôi có nhiều thời gian và kinh nghiệm, nhưng chúng tôi đang phải gánh chịu sự đổ vỡ của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Giới chức y tế không rút ra được bài học sau 2 năm qua", Kong chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng chính việc chống dịch tốt giai đoạn đầu khiến chính quyền thành phố này chủ quan và không chuẩn bị trước cho một đợt bùng phát mới mà nhiều người cảnh báo là không thể tránh khỏi.
"Các biện pháp "Không COVID-19" không thể ngăn được virus xâm nhập mà chỉ trì hoãn điều đó. Ở Hong Kong, chúng tôi không thể ngăn chặn được một đợt bùng phát sau khi nó hình thành. Đó chính xác là điều đang diễn ra", Ben Cowling, Chủ nhiệm Bộ môn Dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Hong Kong cho hay.
Biến thể Omicron hoành hành tại Hong Kong từ giữa tháng 2 vừa qua. Hong Kong ghi nhận hơn 800.000 ca bệnh kể từ đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 12. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong ước tính gần nửa trong tổng số 7,4 triệu dân của đặc khu hành chính này đã mắc COVID-19.
Dù đợt dịch lần này đạt đỉnh vào ngày 4/3, ước tính số người mắc COVID-19 tại Hong Kong có thể lên đến 4,5 triệu trước khi làn sóng này kết thúc.
Trước làn sóng dịch COVID-19 thứ 5, Hong Kong chỉ ghi nhận tổng cộng 212 ca COVID-19 thiệt mạng. Con số này hiện lên tới 6.700 người. Tỷ lệ tử vong tại Hong Kong là 0.6%.
Các đợt bùng phát tương tự xảy ra ở Singapore, New Zealand - những nơi sớm chuyển sang trạng thái sống chung với COVID-19. Sự khác biệt ở Hong Kong, theo các chuyên gia là thành phố này chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với làn sóng mới.
"Chính quyền và cơ quan quản lý không có kế hoạch dự phòng cho tới tận cuối tháng 2. Họ không lường trước được những gì họ cần làm khi dịch bùng phát ở cơ sở y tế, viện dưỡng lão", Adrian Kwan, bác sĩ nội trú tại một bệnh viện công cho hay.
Chính sách đối phó với dịch của Hong Kong phụ thuộc vào việc chặt dứt chuỗi lây nhiễm ngay khi phát hiện các cụm dịch. Bất cứ trường hợp nào dương tính, dù có triệu chứng hay không sẽ phải nhập viện. Các cá nhân tiếp xúc gần với trường hợp này sẽ phải cách ly trong 3 tuần. Nhưng khi Omicron xuất hiện, số ca bệnh tăng vọt khiến giới chức thành phố không kịp trở tay.
Trong bối cảnh số người chết gia tăng, chính quyền Hong Kong vẫn khá chậm chạp trong việc điều chỉnh chính sách. Trong vài tuần gần đây, các quan chức công bố kế hoạch xét nghiệm đại trà và chạy đua xây dựng thêm các cơ sở cách ly. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế không đồng thuận với hướng đi này. Họ cho rằng ưu tiên hiện tại nên là cứu sống các ca bệnh.
Trước làn sóng phản đối gay gắt, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam thông báo hoãn kế hoạch xét nghiệm đại trà, tập trung và việc giảm số người chết và các ca bệnh nặng.
Trong khi khẳng định các quan chức thành phố đã căng hết sức mình để đối phó với đại dịch, bà Lam thừa nhận họ vẫn làm chưa đủ để thuyết phục người già tiêm vaccine.
Chỉ có khoảng 35% trong người dân trên 80 tuổi của Hong Kong tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Nhiều người cao tuổi ở Hong Kong nói họ không muốn tiêm vaccine vì tác dụng phụ, số khác không cảm thấy có nguy cơ bị lây nhiễm. Chính tâm lý chủ quan này khiến nhiều trong số họ trở thành gánh nặng cho các bệnh viện vốn đã quá tải bệnh nhân.
Kỷ lục ca nhiễm nhưng vẫn nới lỏng phòng dịch
Hôm 23/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc vượt mốc 10 triệu trường hợp, tương đương với 20% dân số.
Quốc gia này đang phải đối mặt với làn sóng dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan với tốc độ chóng mặt.
Nhiều tuần qua, quốc gia Đông Bắc Á liên tục ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày.
Đỉnh điểm hôm 17/3, nước này báo cáo kỷ lục 621.328 ca bệnh trong 24 giờ, tăng 55% so với ngày trước đó và 429 ca tử vong.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực ở Hàn Quốc là tỷ lệ tử vong của nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Con số này hiện là 0,13% giảm mạnh so với 0,88% cách đây hai tháng, ngay cả khi số ca bệnh tăng vọt trong cùng khoảng thời gian.
Số ca bệnh trong ngày cao tại Hàn Quốc một phần là do nước này vẫn kiên trì theo đuổi xét nghiệm diện rộng, truy vết gắt gao bằng công nghệ để xác định các trường hợp có nguy cơ trở nặng để ưu tiên điều trị.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này chi khoảng 1,3 tỷ USD cho tiền xét nghiệm kể từ đầu dịch. Năng lực xét nghiệm của Hàn Quốc cũng rất đáng nể khi nước này có thể thực hiện một triệu xét nghiệm PCR mỗi ngày.
Một số chuyên gia cho rằng điểm khác biệt của Hàn Quốc so với Hong Kong - vốn đều từng được xem như hình mẫu chống dịch của thế giới là Seoul rút được ra kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đó và tỷ lệ tiêm chủng cao ở nhóm người cao tuổi.
Gần 87% trong tổng số 52 triệu dân của nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ. 63% dân số được tiêm mũi tăng cường, trong đó tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chích ngừa mũi thứ 3 là gần 90%.
Các tỷ lệ này đều nằm trong nhóm cao nhất thế giới.
Hiện tại, dù ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới, Hàn Quốc vẫn tự tin dỡ bỏ các hạn chế chống dịch nhờ tỷ lệ tử vong thấp.
Vài ngày trước, xứ kim chi đẩy giờ “giới nghiêm” đối với các quán ăn đến 11 giờ đêm, ngừng sử dụng thẻ chứng nhận tiêm vaccine, đồng thời bỏ các quy định cách ly với một số nhóm du khách.
Giới chức y tế Hàn Quốc khẳng định họ đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với sự lên xuống của đại dịch. Chìa khóa nằm ở sự chuyển đổi nhanh nhẹn và phản ứng mau lẹ.
Tuy nhiên, Giáo sư Choi Jae-wook, Đại học Y khoa Hàn Quốc cảnh báo giới chức và người dân không nên chủ quan.
“Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều trường hợp tử vong và nguy kịch hơn. Chính phủ không nên chủ quan, ngay cả khi đã có đủ giường điều trị tich cực. Chúng ta cần những biện pháp chủ động, lường trước mọi tình huống", ông Choi cảnh báo.
Hôm 24/3, Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 470 người chết vì COVID-19 trong vòng 24 giờ. Số ca tử vong những tuần qua dẫn tới tình trạng quá tải tại các nhà hỏa táng.
Theo thống kê, 28% lò hỏa táng ở thành phố Seoul đang hoạt động mức 114,2% công suất. Tỷ lệ này ở Sejong và Jeju, là khoảng 83%. Ở một số khu vực, gia đình bệnh nhân phải liên hệ với các địa phương khác không bị quá tải để đặt chỗ hỏa táng.
Từ tuần trước, giới chức Hàn Quốc nâng tổng công suất hỏa táng toàn quốc từ 1.000 ca lên 1.400 ca/ngày, đòng thời yêu cầu các nhà hỏa táng hoạt động thêm giờ và mở rộng thêm cơ sở.
Bên cạnh số ca tử vong, các trường hợp mắc COVID-19 trở bệnh nặng cũng đang có xu hướng gia tăng ở Hàn Quốc.
Ông Park Hyang - một quan chức của Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết số ca COVID-19 nặng ở Hàn Quốc đã vượt mốc 1.000 ca trong 2 tuần trở lại đây và dự báo có thể lên tới 2.000 ca vào đầu tháng 4.
Tính đến ngày 23/3, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh ở các khoa hồi sức cấp cứu là 64,4%. Con số này cách đây 2 tuần là 59%.
“Hệ thống y tế đang phải chịu sức ép rất lớn dù tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Chúng tôi sẽ tập trung hơn vào các nhóm nguy cơ cao, kiểm tra thường xuyên để không có những điểm mù trong nỗ lực đối phó với dịch”, ông Park khẳng định.
Bình luận