Tại cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 10/2, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, đến 9/2, lao động quay lại làm việc sau Tết trên địa bàn thành phố là khoảng hơn 1,9 triệu người, chiếm 96%.
Trong đó, Khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) là 262.000/273.000 người, Khu công nghệ cao là 49.700/51.767.
Với doanh nghiệp ngoài KCX - KCN có hơn 1,6 triệu người đã quay trở lại làm việc.
Dự báo sau 13/2, lao động quay lại làm việc tương đối đầy đủ. Một số doanh nghiệp đã chuẩn bị được đơn hàng đến tháng 7/2022 nên chính sách thu hút và giữ chân người lao động khá chu đáo.
“Năm nay, tín hiệu khá tốt, tình hình lao động trở lại sau Tết khả quan hơn so với những năm trước đây. Một số doanh nghiệp quy mô nhỏ cho lao động nghỉ bù, nghỉ phép”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, dự kiến, nhu cầu lao động sau Tết tại TP.HCM khoảng 30.000 người. Theo thống kê của hệ thống dịch vụ, việc làm, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, lương thực thực phẩm…
Mức lương của các ngành trên 6 triệu đồng với lao động không cần trình độ chuyên môn và 8 đến hơn 10 triệu đồng cho người có tay nghề.
Ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, số tiền chăm lo Tết cho người lao động trong năm nay cao hơn 1,5 lần so với các năm trước. Lượng lao động trở lại làm việc từ 5/2 - 9/2 đạt tỷ lệ cao hơn khá nhiều so với các năm. Các năm trước, tính đến 15/2 chỉ khoảng 70 - 80% lao động trở lại làm việc sau Tết.
Liên đoàn Lao động thành phố ghi nhận hơn 1.000 công nhân quay trở lại làm việc mắc COVID-19. Tuy nhiên, đều là các trường hợp nhẹ, không triệu chứng, không nguy hiểm.
Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 đạt trên 86%; riêng KCN đạt trên 96%. Liên đoàn Lao động thành phố đang phối hợp với các bệnh viện, hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh để đảm bảo sức khỏe lao động.
Bình luận