Sáng ngày 2/8 tại TP.HCM đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á 2024 (AMES 2024). Đây là sự kiện lớn đầu tiên của Hiệp hội Kinh tế lượng thế giới tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học từ hơn 40 quốc gia.
Chủ tịch Hội nghị là GS. Nobuhiro Kiyotaki, Giáo sư Kinh tế và Ngân hàng Harold H. Helms '20 tại Đại học Princeton và GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp đại học De Vinci Higher Education, và Chủ tịch AVSE Global.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. Kiyotaki trích dẫn câu nói của bậc thầy và nhà viết kịch tuồng Noh Zeami rằng học trò hãy luôn học hỏi từ người thầy, nhưng bản thân người thầy cũng luôn không ngừng học hỏi từ chính học trò mình, để khuyến khích tinh thần chia sẻ, học hỏi lẫn nhau giữa những nhà nghiên cứu non trẻ với những học giả giàu kinh nghiệm hơn. Ông cho rằng Hội nghị lần này là một cơ hội tuyệt vời để kết nối và thực hiện tinh thần đó.
Tiếp lời GS. Kiyotaki, GS. Nguyễn Đức Khương cho biết với 57 phiên thảo luận, 230 bài thuyết trình trong 3 ngày 2-4/8, và các chuyên gia từ hơn 40 quốc gia, AMES 2024 đã là một thành công cho các học giả Việt Nam tham gia. Hội nghị đóng vai trò như một nền tảng quan trọng không chỉ để thúc đẩy năng lực phân tích kinh tế thế giới, mà còn để hiểu hơn các lực lượng kinh tế phức tạp đang định hình thế giới của chúng ta ngày nay.
Với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự hội nhập vào thị trường toàn cầu, những biến đổi đáng kinh ngạc và thách thức phía trước trong chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và chuyển đổi xã hội, Việt Nam là một trường hợp nghiên cứu hấp dẫn cho tất cả các học giả đến từ khắp nơi.
GS. Khương tin rằng những hiểu biết thu được tại Hội nghị sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, ảnh hưởng đến việc ra quyết định chính sách và kinh doanh tại Việt Nam. Hội nghị này cũng mang lại cơ hội đặc biệt cho các học giả Việt Nam nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức với các học giả từ khắp nơi trên thế giới, như lời GS. Kiyotaki đề cập.
Đại diện đơn vị đồng tổ chức là Đại học Ngân hàng TP.HCM, PGS.TS, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh cơ hội kết nối này sẽ giúp tác động lâu dài đến kiến thức về kinh tế lượng nói chung, cũng như mở đường cho phát triển tại Việt Nam.
Chia sẻ bên lề Hội nghị về vai trò của kinh tế lượng cho việc hoạch định chính sách kinh tế cho Việt Nam với PV Báo điện tử VTC News, GS. Nguyễn Đức Khương nhận định kinh tế lượng là một ngành hẹp trong ngành kinh tế nói chung, cho phép chúng ta có những hiểu biết về những mô hình, tính toán, định lượng, những mối quan hệ và những ràng buộc phức tạp trong một nền kinh tế.
"Kinh tế lượng có một khu vực ứng dụng rất cao, từ phần kinh tế lý thuyết đến kinh tế ứng dụng. Trong số tất cả những ứng dụng đó thì việc đo lường tác động ảnh hưởng của chính sách đến người dân, đến các chủ thể kinh tế trong một nền kinh tế trở nên rất quan trọng bởi nó giúp chúng ta có được những cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận và cơ sở bằng chứng thực nghiệm để hỗ trợ cho việc ra quy định và lựa chọn những chính sách.
Đặc biệt là nó cho phép so sánh, định vị nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực để chúng ta có được những lựa chọn chính sách tạo ra được sức hấp dẫn đối với những nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào nhiều hơn. Ngoài ra, kinh tế lượng cũng có thể xác định được những lĩnh vực nào mà chúng ta rất cần có được những nguồn tốn đầu tư nước ngoài, cũng như nguồn lực con người - cần đào tạo bổ sung hay thu hút từ nước ngoài", GS. Khương nhấn mạnh.
Bình luận