Từ 14/2, học sinh tiểu học và lớp 6 của TP.HCM trở lại học trực tiếp sau thời gian dài ở nhà phòng dịch COVID-19. Những ngày đầu học trở lại, các trường đã xuất hiện học sinh F0, điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không an tâm.
Phụ huynh lo lắng
Chị P.H.N. (ngụ quận Thủ Đức) cho biết, con chị mới đi học được mấy hôm thì có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19, sau đó chị đã test nhanh cho con và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức chị N. báo cho nhà trường và lớp con chị chuyển qua học online.
“Thực sự tôi cũng rất lo lắng, vì các con chưa tiêm vaccine, mức độ nguy hiểm ra sao, mình cũng không biết được, nên cũng phải tìm bác sĩ tư vấn, chăm sóc, cách ly bé tại nhà. Chưa kể, tôi cũng lo lắng là không biết các bạn cùng lớp có bé nào bị lây nhiễm hay không. Đi học lại cũng lo, ở nhà học trực tuyến hoài cũng rất lo. Nhưng tôi nghĩ đã đến trường là phải an toàn”, chị N. chia sẻ.
Có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), anh Đào Đức Hải cũng có chung nỗi lo như nhiều phụ huynh khác khi trẻ đi học lại trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch COVID-19.
“Tôi dặn con phải đeo khẩu trang suốt buổi, không đưa tay lên mắt mũi miệng, rất lo trường học sẽ phải đóng cửa lần nữa. Mong sao trẻ sớm được tiêm vaccine thì phụ huynh sẽ yên tâm hơn, sẽ không sốt vó lên”, anh Hải nói.
Một phụ huynh có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho hay, sau ngày học đầu tiên hôm 15/2, lớp con chị ghi nhận một học sinh test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức giáo viên chủ nhiệm đã thông báo cả lớp chuyển qua học online như trước.
“Dịp Tết vừa qua, phụ huynh đưa con về quê, đi du lịch... khi quay lại trường học tập thì khả năng lây nhiễm cũng có thể xảy ra là chuyện khó tránh. Tuy nhiên, qua những thông tin về di chứng hậu COVID-19 của trẻ sau khi khỏi bệnh cũng khiến phụ huynh lo lắng. Tôi nghĩ nhà trường cho cả lớp chuyển qua học online khi có học sinh F0 là hợp lý. Dù gì thì sức khỏe của con cũng quan trọng nhất ”, vị phụ huynh này cho hay.
Trường xử lý F0, F1 ra sao?
Cô Bùi Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho hay, khi ở trường phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, nhà trường sẽ điều động Tổ COVID đưa trẻ lên phòng cách ly, test nhanh COVID-19.
Nếu học sinh có kết quả dương tính sẽ báo với y tế của phường đến kiểm tra, test nhanh lại, nếu dương tính sẽ thông báo cho phụ huynh và y tế sẽ có hướng xứ lý tiếp theo đối với trường hợp này.
Các học sinh còn lại của lớp ngồi tại chỗ, khoanh vùng những em F1 test nhanh trước, rồi đến các em còn lại trong lớp, nếu không có vấn đề gì sẽ báo với phụ huynh đến đón trẻ của lớp có F0 về. Đồng thời, trường cho khử khuẩn lớp học.
Theo cô Yến, do học sinh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, để cho phụ huynh yên tâm, lớp học có F0 sẽ chuyển sang học trực tuyến một tuần, phụ huynh báo cáo sức khỏe của con mỗi ngày cho giáo viên chủ nhiệm và sau đó các giáo viên báo cho trường.
“Phụ huynh theo dõi trong 1 tuần, ngày thứ 3 và thứ 7 test nhanh cho trẻ. Đến ngày thứ 7 nếu tất cả học sinh bình thường thì lớp học trở lại học trực tiếp. Như vậy lớp học có F0, các bé sẽ chuyển sang học online 1 tuần sau đó trở lại trường. Có gián đoạn nhưng chỉ 1 tuần, các bé sẽ không phải nghỉ học, bởi giai đoạn này là bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch”, cô Yến nói.
Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng cho biết, khi phát hiện bất kỳ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (ho, sốt, đau họng,…), Tổ an toàn COVID đưa người nghi ngờ mắc COVID-19 đến phòng cách ly tạm thời bàn giao cho người phụ trách.
Y tế của trường sẽ thực hiện đo thân nhiệt, thăm khám sức khỏe của người nghi ngờ và báo cho Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1) để xử lý và tư vấn hướng xử lý, đồng thời báo cho cha mẹ nếu là học sinh là F0.
“Ban chỉ đạo và Tổ an toàn COVID phối hợp với Trạm y tế phường Đa Kao đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để chuyển viện hoặc chăm sóc, điều trị, cách ly F0 tại nhà. Nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96% thì gọi xe cấp cứu chuyển F0 đến Bệnh viện quận 1. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh F0 về nhà để y tế địa phương cư trú tiếp cận xử lý theo quy định”, cô Hương cho hay.
Cũng theo cô Hương, về việc xử lý tại trường, Tổ an toàn COVID hướng dẫn tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học và đề nghị Trạm Y tế phường Đa Kao xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên là F1 (định nghĩa F1 theo Công văn 1104 của Bộ Y tế về điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19).
Các lớp học khác hoạt động bình thường. Sau buổi học sẽ khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ trường. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe học sinh; Tổ an toàn COVID theo dõi sức khỏe cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
“Đối với F1 đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ mũi (đối với giáo viên, nhân viên) hoặc đã khỏi bệnh được đi học và làm việc bình thường, phải tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3 và 7 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên âm tính thì dừng xét nghiệm (theo dõi 7 ngày); khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
F1 chưa tiêm vaccine hoặc đã tiêm đủ liều (đối với giáo viên, nhân viên) nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, bệnh nền: trường cho nghỉ tại nhà và gia đình thực hiện theo hướng dẫn của y tế địa phương”, cô Hương nói.
Như vậy, theo cô Hương, trường hợp nhà trường có phát hiện F0, học sinh vẫn học bình thường, chỉ tạm ngưng để triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch.
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, trong trường hợp lớp học có xuất hiện F0, thì không phải học sinh nào trong lớp cũng đều là F1 (theo định nghĩa mới của Bộ Y tế, F1 phải là những người có tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp).
Các tình huống có liên quan đến dịch bệnh trong nhà trường khi học sinh đi học trực tiếp trở lại cần được các trường xử lý ít ảnh hưởng nhất đến quá trình học tập của học sinh, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhất là đối với học sinh các lớp nhỏ tuổi vì chưa được tiêm vaccine.
Các F1 nếu trong độ tuổi từ 3 - 11 tuổi chưa được tiêm vaccine phải được cách ly ở nhà theo đúng quy định của ngành y tế, còn những học sinh là F1 đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính thì sẽ vẫn đến trường học tập trực tiếp.
“Đối tượng học sinh nào là F1 thì phải do chính ngành y tế xác định, chứ không phải do thầy cô giáo, hiệu trưởng nhà trường nhận định. Nhà trường phải giữ mối liên hệ thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với ngành y tế để có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ, không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh, giúp cho việc học trực tiếp được ổn định”, ông Dũng nói.
Bình luận