Bản chất của nghiên cứu khoa học là tìm ra cái mới. Cái mới có thể là tri thức đóng góp vào kho tàng tri thức chung của nhân loại và không nhất thiết có giá trị thương mại ngay, hoặc nghiên cứu cơ bản mà kết quả được công bố dưới dạng những bài báo khoa học.
Cái mới cũng có thể được thể hiện dưới dạng các kết quả nghiên cứu giúp giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống - nghiên cứu ứng dụng. Cái mới trong nghiên cứu còn được thể hiện thông qua các đề tài/dự án chuyển giao khoa học công nghệ - nghiên cứu chuyển giao. Từ đó cho thấy, nghiên cứu khoa học là quá trình công phu, quy định rõ ràng về sản phẩm, phân loại và quan trọng nhất là tính mới.
Trong 7 nấc thang chính học thuật của loài người từ tiền tiểu học, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao học và nghiên cứu sinh, phải đến bậc cao học thì người học mới được học môn học “Phương pháp nghiên cứu khoa học” tương đối bài bản. Và những học viên cao học muốn tốt nghiệp và được nhận bằng thạc sĩ thì phải thực hiện một nghiên cứu dưới dạng một luận văn cao học.
Tuy nhiên, yêu cầu nghiên cứu của cao học chỉ ở mức độ “khởi nghiệp”, không đòi hỏi quá cao. Đến bậc thang cuối cùng là bậc tiến sĩ thì các nghiên cứu sinh sẽ làm nghiên cứu chuyên sâu hơn, nghiêm túc hơn, phải có sản phẩm khoa học và đóng góp vào chuyên ngành. Như vậy, chỉ có bậc tiến sĩ thì người học mới thực sự thực hiện nghiên cứu khoa học đúng thông lệ; làm nghiên cứu chặt chẽ và nghiêm khắc trong quá trình kéo dài nhiều năm mới có thể xong. Bằng tiến sĩ chính là giấy chứng nhận “có thể bắt đầu làm nghiên cứu”, nghĩa là chỉ mới “bắt đầu”.
Từ đó có thể thấy việc các học sinh bậc THPT (bậc 4/7) thực hiện các nghiên cứu khoa học thực thụ và cho ra những kết quả nghiên cứu rất chuyên sâu là vấn đề đáng quan tâm.
Trong thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học là không có giới hạn về độ tuổi, người trẻ hay người lớn tuổi vì đam mê khoa học là vô bờ bến. Vấn đề cốt yếu vẫn là người làm nghiên cứu phải thực hiện bài bản và có sản phẩm theo đúng thông lệ.
Thật sự cảm động trước tinh thần đam mê khoa học của các bạn học sinh THPT, sẵn sàng đương đầu với những vấn đề hóc búa và chuyên sâu trong khoa học như nghiên cứu thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ, nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ để định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch, nghiên cứu điều trị ung thư, nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc chứa nano oxit sắt từ, nghiên cứu cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo.
Đây là các chủ đề chuyên sâu, đòi hỏi người làm nghiên cứu phải có kiến thức cơ sở sâu, rộng và rất cập nhật trong chuyên ngành. Để có thể bắt đầu những dự án này thì người làm nghiên cứu cần dựa trên một hoặc nhiều thành tựu khoa học liên quan trong quá khứ, những thành tựu khoa học này được cộng đồng khoa học thừa nhận làm nền tảng cho việc nghiên cứu sau này.
Ngoài ra, để thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu rất cần thiết bị tối tân cùng nhiều nguồn lực khác. Quy trình thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu rất khác biệt, phải tuân thủ quy chuẩn chặt chẽ vì là các lĩnh vực liên quan đến hóa – y – sinh. Chỉ việc đọc hiểu và thực hiện cải tiến nhỏ từ những kết quả trước đó thì cũng có thể cho ra hàng loạt luận văn thạc sĩ. Và những dự án của học sinh nêu trên có thể là tiêu đề cho luận án tiến sĩ và thậm chí là các dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ, thậm chí là cấp quốc gia.
Nếu chúng ta có những thần đồng có thể bắt đầu làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp từ bậc THPT thì đúng là may mắn của cả dân tộc. Khi lớn lên thì những thần đồng này có thể sẽ trở thành những chuyên gia công nghệ làm rạng danh tổ tiên và khiến thế giới phải khâm phục. Khi đó, chắc chắn khoa học của đất nước sẽ phát triển vượt bậc, vị trí trên trường quốc tế sẽ tuyệt vời.
Ngược lại, nếu các bạn học sinh phổ thông bị hiểu sai hay bị ngộ nhận về nghiên cứu khoa học thì sẽ rất nguy hiểm cho chính bản thân các em. Các em sẽ dễ dàng thất vọng khi hiểu ra sự thật và sẽ là sự lãng phí rất lớn cho toàn xã hội.
Việc tạo sân chơi cho các em lứa tuổi THPT để nuôi dưỡng đam mê khoa học là chuyện nên làm. Nhưng nếu chúng ta nâng hoạt động này lên mức như nghiên cứu thực thụ thì có thể dẫn tới hậu quả các em nhỏ dễ ngộ nhận về nghiên cứu khoa học và không tốt cho các em.
Có nhiều vấn đề trong thực tiễn cuộc sống mà các em học sinh THPT hoàn toàn có thể tiếp cận và khám phá được, nhưng đối với những vấn đề nghiên cứu quá chuyên sâu việc tiếp cập ở lứa tuổi của các em là chưa phù hợp. Khi các em được hướng dẫn và thực sự tham gia thực hiện thì sẽ cảm nhận được vai trò, tự hào với những đóng góp của bản thân, hơn là được “dọn sẵn” để rồi chỉ việc cố gắng “tiêu hóa” nhằm trả lời trôi chảy trước ban giám khảo cuộc thi.
Có 3 vấn đề cần được quan tâm như sau:
Thứ nhất, về tiêu chí đánh giá, phải làm sao để các em chỉ cần áp dụng những nội dung trong chương trình học hoặc có thể tham khảo thêm những kiến thức nâng cao nhưng vừa sức. Tránh việc các em phải sử dụng đến những kiến thức chuyên sâu ở các bậc học cao hơn mà các em chưa từng được học và nếu muốn tự trang bị thì cũng rất khó khăn.
Thứ hai, việc giới hạn các lĩnh vực và lĩnh vực chuyên sâu cần được xem xét lại cẩn thận. Nếu làm không khéo thì các cuộc thi về khoa học và kỹ thuật dễ bị biến tướng. Các giới hạn này đặt ra để các tiêu chí đánh giá không vi phạm theo hướng “vượt khung”.
Ví dụ, giới hạn lĩnh vực chuyên sâu gồm gen và di truyền, hóa - sinh - y, hóa - sinh cấu trúc, chẩn đoán và điều trị trong y học, phát triển và thử nghiệm dược liệu, dịch tễ học, sinh lí học và bệnh lí học, kỹ thuật tế bào và mô, năng lượng hạt nhân, kĩ thuật hàng không và vũ trụ, vật liệu nano, vi trùng và kháng sinh, thiên văn học và vũ trụ học, vật lí nguyên tử, vật lí hạt cơ bản và hạt nhân, lí thuyết điều khiển, kiểm định thuốc …(trích trên website của Bộ GD&ĐT) thì sẽ khó chỉ dừng ở mức “nuôi dưỡng đam mê” mà đòi hỏi các em phải làm việc như những nhà khoa học thực thụ với thiết bị tối tân và các nguồn lực rất mạnh. Khi đó, chắc chắn rằng mục tiêu chỉ tạo sân chơi sẽ không còn nhiều ý nghĩa, mà rất có thể sẽ là “sàn đấu” của các chuyên gia đứng phía sau.
Thứ ba, quyền lợi của học sinh khi đạt giải cần xem xét lại cẩn thận hơn. Khi những giải thưởng mang về quyền lợi to lớn, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp thì rất có thể phụ huynh, học sinh sẽ dốc sức và có khi phải bằng “mọi giá” để đạt được. Nếu các giải thưởng chỉ dừng lại ở mức độ động viên, khuyến khích thế hệ trẻ nuôi dưỡng đam mê thì chắc chắn rằng sân chơi này sẽ thật sự là sân chơi tốt.
Bình luận