• Zalo

Dự án khoa học kỹ thuật ngang tiến sĩ: Học sinh sẽ quen cách ứng xử gian dối

Diễn đànThứ Tư, 31/03/2021 07:17:16 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật đi quá xa theo hướng tiêu cực và không thực chất, hãy dừng lại càng sớm càng tốt.

Ông Lê Văn Vỵ, nguyên giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho rằng, một số đề tài tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho bậc trung học phổ thông năm 2021 vượt quá tầm của học sinh, mang tính chất hoang tưởng, không thực chất, không có tính ứng dụng, có dấu hiệu tiêu cực, sao chép của hàng loạt đề tài đạt giải.

Thậm chí có đề tài được cày nát qua nhiều năm như “chữa ung thư” và “cánh tay rô-bốt”, “điều trị xơ vữa động mạch”, “hoại tử”, "thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị"... đạt giải cao.

Thầy Vỵ cho rằng: "Nếu có thống kê đầy đủ, tôi tin rằng tỷ lệ trùng lặp đề tài, dự án, ý tưởng của cuộc thi qua các năm là rất lớn. Một điều trùng hợp nữa, là hầu hết các đề tài, dự án không có khả năng ứng dụng, sản xuất ra thị trường".

Học sinh trung học chưa đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo, không có điều kiện và thời gian sáng tạo, nghiên cứu khoa học kĩ thuật một cách bài bản, chuyên nghiệp. Vì vậy, cuộc thi tất yếu sẽ sinh ra đối phó, “luồn lách” và đủ hình thức khác nhau để có sản phẩm, có giải.

Thầy Vỵ chia sẻ, ông từng được nhiều đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước tâm sự về cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh. Ban đầu cuộc thi có mục đích tốt, nhưng sau đó cuộc đua thành tích, danh hiệu đã đẩy cuộc thi theo hướng không thực chất, không hiệu quả, gây lãng phí vô cùng lớn, áp lực và nguy hại nhất là làm cho học sinh quen với cách ứng xử dối trá, không trung thực.

“Cuộc thi khoa học kỹ thuật đi quá xa theo hướng tiêu cực và không thực chất. Hãy dừng lại càng sớm càng tốt, tránh để lại những hệ lụy không đáng có cho thế hệ trẻ", thầy giáo nhấn mạnh.

Dự án khoa học kỹ thuật ngang tiến sĩ: Học sinh sẽ quen cách ứng xử gian dối - 1

Thí sinh trình bày mô hình. (Ảnh minh hoạ)

Đồng quan điểm, giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam giật mình khi biết tên 12 dự án đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2021. Ông càng bất ngờ hơn khi biết rằng tất cả những đề tài, dự án nghiên cứu này được đưa ra bởi các em học sinh THPT.

Giáo sư đặt câu hỏi: "Với độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, học sinh ít có cơ hội tiếp xúc với phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu, các cơ sở dữ liệu, thử hỏi làm sao nghĩ ra được những đề tài, dự án nghiên cứu có tính chuyên sâu, hàn lâm tới như vậy? Những dự án này có khi những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư cũng ngại ngùng khi bắt tay làm, chưa nói đến những em học sinh cấp 3".

Ông khẳng định rằng, những dự án kiểu như vậy ít nhiều có sự sao chép, "ăn cắp" ý tưởng của các nhà nghiên cứu.

Năm 2018, giáo sư Dong từng nhận được đơn tố cáo và lên tiếng về một dự án nghiên cứu khoa học của học sinh THPT sao chép gần như toàn bộ số liệu, ý tưởng nghiên cứu, mô hình của một giáo sư người Pháp. Đây là sự giả dối đáng báo động không chỉ riêng trong cuộc thi này mà còn nhiều cuộc thi khác hiện nay.

Theo giáo sư, điều đáng trách là những người lớn (thầy cô, bố mẹ...) mang trẻ con ra làm bình phong để khoe thành tích, chạy theo thành tích, ganh đua giữa các địa phương. Những ý tưởng "ăn cắp" đó không chắc giáo viên đã thực hiện và hiểu hết, chưa nói đến học sinh THPT đang ngồi trên ghế nhà trường mới chỉ tập làm quen với những kiến thức, công nghệ cơ bản.

Ông cho rằng, cuộc thi không con thực chất thì bỏ. Người lớn không nên dạy trẻ làm nghiên cứu khoa học gian dối. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại chất lượng toàn bộ các dự án đạt giải trong cuộc thi năm nay. Nếu làm thẳng tay nhiều dự án là sao chép hoặc trùng ý tưởng với những công trình nghiên cứu của các trường đại học, các chuyên gia.

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (lĩnh vực thi Hệ thống nhúng) của hai học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, học sinh trường THPT Hoa Lư A- giải nhất có phần tên giống với dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân. 

Dự án này từng đoạt giải nhất Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Ninh Bình năm 2019, giải nhì thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2019. Trùng hợp là hai dự án cùng xuất phát từ trường THPT Hoa Lư A và cùng thầy giáo hướng dẫn, chỉ khác năm dự thi.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá, các dự án giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm nay là những công trình nghiên cứu phức tạp, độ khó vượt xa khả năng của học sinh THPT như: Hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ; phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ để định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch; cải tiến peptit polybia-mp1 ứng dụng trong điều trị ung thư; cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021 có 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham gia. Ban tổ chức trao giải cho 91 dự án, trong đó 12 dự án đạt giải nhất, 7 dự án lọt qua vòng phỏng vấn và được lựa chọn dự thi quốc tế.

Thu Phạm
Bình luận
vtcnews.vn