• Zalo

Học sinh mẫu giáo ở Thanh Hóa ngày ngày đi bộ 6 km đến trường

Kinh nghiệm sốngThứ Năm, 21/10/2021 06:43:00 +07:00Google News

Nhiều trẻ mẫu giáo ở huyện Mường Lát, Thanh Hoá hàng ngày phải đi bộ quãng đường 6km đến trường, nhiều hôm đến được trường rồi mệt quá, các em lăn ra ngủ.

Chúng tôi đến tác nghiệp tại điểm trường mầm non bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát đúng vào những ngày cơn bão số 7 vừa qua và cơn bão số 8 đang đổ bộ vào đất liền.

Từ thành phố Thanh Hoá đến trung tâm huyện biên giới Mường Lát gần 230km. Từ trung tâm huyện vào đến bản Ón chừng 25km, nhưng phải đi xe máy, nhiều đoạn chỉ có thể cuốc bộ.

Trẻ đi bộ 6km đến trường

Học sinh mẫu giáo ở Thanh Hóa ngày ngày đi bộ 6 km đến trường - 1

Con đường đến trường của người thầy cắm bản.

Điểm trường mầm non bản Ón nằm ở lưng chừng 1 đỉnh núi cao, cách cột mốc biên giới 270 khoảng 2km theo đường chim bay – nơi đây gọi là ngã 3 tiếp giáp với Lào và tỉnh Sơn La. Lớp của cô Vi Thị Bột có 16 học sinh (4 tuổi), nhưng do mưa gió hôm chúng tôi đến chỉ 3 em đi học.

Cô Bột chia sẻ: “Do điều kiện các cháu gia đình ở xa,  không được bố mẹ đưa đi nên các cháu tự đi, xa quá các cháu không đi được, cứ trời mưa là các cháu phải nghỉ học”.

Học sinh mẫu giáo ở Thanh Hóa ngày ngày đi bộ 6 km đến trường - 2

"Kỷ lục" đi bộ đến trường của học sinh bản Ón.

Băn khoăn về việc mới 3 - 4  tuổi bằng cách nào các em đi bộ được 5km? Cô Bột chia sẻ: “Từ đây (điểm trường-PV) ra Ón 1 là gần 7km, vào Ón 3 là 4 - 5km; gần nhất là Ón 2, xung quanh đây, nhưng nhà ở trên đồi núi đi cũng phải 2km. Do cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn, đồ dùng chưa có, chưa tổ chức nấu ăn bán trú cho các cháu được, các cháu chỉ đến học hết giờ học chính rồi về nhà. Có cháu ở lại nhà người quen gần trường, cháu thì mang cơm đi ăn nghỉ dọc đường, có cháu thì ở lại xung quanh trường chiều học”.

Điểm trường mầm non bản Ón có 3 cô giáo cắm bản. Ngoài cô Vi Thị Bột, còn có cô Phạm Thị Giang, Bùi Thị Thuý. Học sinh của các cô từ 3 - 5 tuổi. Nhớ lại những ngày đầu mới lên công tác, cô Bùi Thị Thuý dù xác định trước là sẽ khổ, nhưng cô không ngờ khổ đến thế.

Khó khăn với thầy cô có thể vượt qua được, nhưng với các em học sinh mới lên 3, lên 4, thì quả thật cô Thuý không dám tin vào tai, mắt mình.

“Sáng ngủ dậy các cháu mang cơm đi theo, chừng này các cháu đến trường rồi, thì các cháu phải đi từ sáng sớm, tầm 5 giờ sáng. Các cháu lớp 3 tuổi, nếu tính tháng ra chưa đủ 3 tuổi cũng đi bộ 5 - 6km để đến trường. Nhiều hôm khi về, nếu các cô gặp sẽ đưa các cháu đi cùng, nhưng đường trơn như hôm nay, cô cũng phải đi bộ, nắng ráo cô mới cho các cháu đi được”, cô Bùi Thị Thuý cho biết.

Đi học để thoát cảnh tảo hôn…

Bản Ón, xã Tam Chung có 112 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, được biết đến là nơi nghèo khó nhất nhì tỉnh Thanh Hoá. Số hộ ngoài danh sách hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cuộc sống của bà con chỉ nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, bó măng trên rừng. Cũng vì nghèo khó nên việc bỏ học lấy vợ, lấy chồng từ thuở 13 - 15 tuổi trở thành “phong trào”. Nhiều năm liền cứ thế, hậu quả là sinh đẻ “không giới hạn”, con cái nheo nhóc, thất học rồi đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói.

Là người có thâm niên bám bản, thầy Vi Văn Chuân, Trưởng điểm trường Tiểu học bản Ón chia sẻ: “Đi đường là mệt rồi, đến trường nhiều hôm các cháu không đủ sức nghe giảng bài được nữa. Mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, dảnh hưởng tới việc học tập của các cháu. Từ lớp 3 tuổi, anh cõng em, chị cõng em, số ít nhà có điều kiện các em được bố mẹ đưa đi, còn lại thì đùm cơm, chị em đi với nhau, tự đi bộ, mệt tý thì nghỉ; 4-5 tuổi thì sàn sàn, vừa đi vừa chơi rồi cũng đến lớp…”.

Học sinh mẫu giáo ở Thanh Hóa ngày ngày đi bộ 6 km đến trường - 3

Hành trình đi bộ 5 km của 3 học sinh người Mông

Đến lớp, đến trường rồi các em được học chữ, cảm nhận được niềm vui, dần “quên” đi chuyện lấy vợ sớm.

Bí thư Chi bộ bản Ón - Giàng A Chống là người đầu tiên trong bản có bằng tốt nghiệp cấp 3, cũng là người đầu tiên ở bản Ón được đứng trước lá cờ Đảng thực hiện lời thề danh dự với tư cách Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với người dân trong bản, anh Chống là người tiên phong xoá mù, xoá nghèo cho người dân nơi đây. Anh quan niệm, khó mấy cũng phải đưa con em đến trường học chữ, chỉ có vậy mới thoát được đói nghèo, các cháu không phải lấy vợ/chồng sớm.

“Các cháu đến được trường là tốt lắm rồi. Những năm gần đây có thầy cô vào cắm bản, học sinh bỏ học là thầy cô đến tận nhà, vận động các cháu ra lớp. Xoá được nghèo đói trước hết phải xoá mù. Học ở đây không chỉ là biết chữ, mà còn biết kiến thức để nuôi con lợn, trồng cây lúa sao cho hiệu quả”, Trưởng bản Giàng A Chống cho biết.

Học sinh mẫu giáo ở Thanh Hóa ngày ngày đi bộ 6 km đến trường - 4

Do chưa đủ điều kiện tổ chức bán trú nên cho các em phải đi về vất vả

Công sức của Trưởng bản Giàng A Chống, và các thế hệ thầy cô giáo ở bản Ón trong việc “nâng bước” con em đến trường dần cũng trở thành hiện thực. Nhờ sự quan tâm của địa phương, các nhà hảo tâm, năm 2018 những phòng học kiên cố và lắp ghép được đặt ngay trong bản.

Trường về gần rồi, với học sinh bản Ón, đặc biệt, như em Giàng A Mùa, hay em Lý Thị Dậu, dù nhà cách trường 5-6km, nhưng nên mỗi sáng thức dậy, khi bố mẹ lên nương cũng là lúc Mùa và Dậu điệu/dắc các em đến trường.

Kỳ tích bản nghèo

Câu chuyện học sinh mẫu giáo, tiểu học đi bộ 4-5km đến trường thực sự khó tin, nhưng với người dân bản Ón và thầy cô nơi đây, đó là kỳ tích - “kỳ tích về những bước chân trần vượt núi tìm chữ”.

Thầy Nguyễn Thế Cường, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết, trong rất nhiều điểm đặc biệt ở bản Ón, việc đưa được học sinh đến trường là kỳ tích. Giờ đây người dân, học sinh đã thay đổi được thói quen là phải đến trường học chữ, chứ không phải lấy vợ lúc tuổi 13.

“Có rất nhiều điều đặc biệt, đây là điểm trường xa nhất của xã, tiếp giáp Sơn La, và Lào; thứ 2 đây là điểm trường lẻ nhưng số học sinh phải đi học xa rất nhiều; thứ 3 là với giáo viên không thể đi buổi được mà phải bám trường, bám bản.

Việc duy trì sĩ số ở đây đương nhiên chuyên cần thì khó, những hôm trời mưa các em nhỏ quá, xa quá không thể đến được vì đường trơn, bố em không có phương tiện đi đến, buộc các em phải nghỉ ngắt buổi, chứ còn vẫn đảm bảo các em không bỏ học giữa chừng”, thầy Cường vui mừng chia sẻ.

Học sinh mẫu giáo ở Thanh Hóa ngày ngày đi bộ 6 km đến trường - 5

Nhờ sự hỗ trợ của nhà hảo tâm các em được học ở phòng học lắp ghép khang trang

Kỳ tích đó không phải tự nhiên mà có. Đó là công sức, quyết tâm của cán bộ bản, biết bao thế hệ thầy cô giáo nơi đây. Những người như cô Bột, cô Quách Thị Minh, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, ngày đêm lật từng trang giáo án, đen đến cho học sinh nơi miền sơn cước này từng con chữ.

Nhớ lại ngày mới vào nhận công tác, dù đã trấn an tư tưởng nhưng cô Minh vẫn không tránh khỏi những hụt hẫng, suy tư về sự học nơi miền sâu thẳm này. Thương mình 1, cô thương trò mười “Cuối cùng các em đã đến được trường, không bỏ học đi nương như trước”.

Mấy năm gần đây, số học sinh ở bản Ón ra trung tâm huyện học cấp 2, cấp 3 ngày một nhiều. Ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu, bấm mấy đầu ngón tay, cô Minh khoe với chúng tôi, trong bản những gia đình cả 4 người con đang theo học THCS đến THPT; nhiều em ra thành phố Thanh Hoá, đến Thủ đô để học cao hơn, với mong muốn ngày trở về khai sáng bản mình.

Dù sự học ở bản Ón còn nhiều gian nan, vất vả, nhưng với niềm tin yêu của những người thầy đang ngày đêm bám bản, toàn tâm toàn ý cho sự học, chẳng bao lâu nữa, những đứa trẻ chân trần cuốc bộ đến trường hôm nay sẽ trưởng thành và về giúp dân bản mình thoát nghèo.

Chúng tôi rời bản Ón khi cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Thanh Hoá bắt đầu trở lạnh. Không biết rồi, mùa đông này, những đôi chân trần của các em học sinh bé nhỏ ở bản Ón sẽ tiếp bước thế nào.

Sỹ Đức/VOV1
Bình luận
vtcnews.vn