• Zalo

Học trò vùng cao đùm cơm, đi bộ hàng chục cây số 'hứng sóng' học online

Kinh nghiệm sốngThứ Bảy, 25/09/2021 08:31:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Để học online, những cô cậu học trò xứ Nghệ phải đùm cơm lên núi tìm vị trí “hứng sóng” mới vào được lớp.

Trước diễn biến của dịch COVID-19, Nghệ An triển khai học trực tuyến, nhưng việc thực hiện ở một số địa phương gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi. Việc sắm được phương tiện để có thể vào lớp online đã khó thì việc có được sóng tốt đảm bảo cho mỗi buổi học lại càng khó khăn hơn.

Trời vừa tờ mờ sáng, Và Ý Lỳ (học sinh lớp 11A12, Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) làm cơm nắm chuẩn bị bữa trưa, bữa tối rồi hành trình đến "góc học tập" của mình. Nhà Lỳ ở xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong) nên không có sóng điện thoại. Từ bản ra trung tâm xã cũng phải đi xe máy mất gần nửa ngày, nếu thời tiết nắng ráo, không mưa. Do đó, để tìm được một nơi có sóng 3G vào học online đối với Lỳ không phải là chuyện dễ dàng.

Lỳ phải đi cách nhà khoảng 10km thì mới có nơi sóng 3G mạnh để vào học online được. Vì thế, dù học buổi chiều, nhưng mỗi ngày em đều phải đi học từ lúc sáng để đến nơi “hứng” được sóng. Nhưng tại đây, mạng cũng không được ổn định, có buổi đang học giữa chừng thì “rớt mạng”. Nhưng dù sao vẫn hơn không được học.

Học trò vùng cao đùm cơm, đi bộ hàng chục cây số 'hứng sóng' học online - 1

Cô học trò Và Ý Lỳ vào lớp học online ngay giữa lưng chừng núi.

Góc học của nữ sinh này nằm ở lưng chừng núi, xung quanh cây cối rậm rạp. Không cầu kỳ làm lán che nắng, che mưa, Lỳ chặt một ít cành cây nhỏ chế thành cái giá để điện thoại di động rồi ngồi học. Dù vất vả nhưng với nữ sinh này, đây là cách duy nhất nghe thầy giáo giảng, không bỏ lỡ kiến thức, tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo.

Những ngày qua, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh ở huyện miền núi Quế Phong ngồi học online trên đồi núi. Dù hoàn cảnh rất khó khăn và chưa biết việc học của mình có đạt được kết quả khi mạng internet chập chờn, nhưng tất cả đều không muốn bỏ học.

Học trò vùng cao đùm cơm, đi bộ hàng chục cây số 'hứng sóng' học online - 2

Sóng rớt học sinh lại phải chuyển địa điểm để “hứng” kịp giờ vào lớp.

Theo thầy Ngô Chiến Thắng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A12, Trường THPT Quế Phong, vì không có sóng 3G nên nhiều học sinh của trường đang phải lên núi “hứng sóng” để học online, rất xúc động. Dù rất cố gắng, nhưng việc học của các em cũng không dễ dàng gì, nhiều lúc đang học thì bị mất kết nối do đường truyền không ổn định.

Vừ Y Hoa là học sinh duy nhất của bản Huồi Xái (xã Tri Lễ) đậu vào lớp 10 Trường THPT Quế Phong trong năm học này, nhưng 3 ngày sau khi khai giảng, Hoa mới có thể liên lạc được với thầy cô và bước vào buổi học online đầu tiên.

Gần 2 tuần nay là một ngọn đồi nhỏ, cách nhà gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Nếu thời tiết thuận lợi, sóng ổn định, mỗi buổi học Hoa sẽ chỉ “rớt mạng” hai đến ba lần. Huyện Quế Phong bắt đầu vào mùa mưa, việc tìm được nơi có sóng để học bài lại càng khó khăn.

Học trò vùng cao đùm cơm, đi bộ hàng chục cây số 'hứng sóng' học online - 3

Người cha dựng tạm chiếc lán nơi lưng chừng núi để con và bạn “hứng sóng” vào học online.

Những ngày qua, hai em Xồng A Thành và Xồng Bá Dần (học sinh lớp 6A1 Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quế Phong) vẫn đều đặn được bố chở lên một ngọn núi cách nhà 30 phút chạy xe máy để “hứng sóng” học online. Hình ảnh 2 cậu học trò ngồi giữa một cái chòi dựng chênh vênh, xung quanh cây cối rậm rạp ở rẻo cao xứ Nghệ chăm chú nhìn vào màn hình chiếc điện thoại di động để học online khiến không ít người cảm phục.

Để có góc học tập này, ông bố người Mông phải lặn lội đi tìm suốt 1 ngày trời. Bởi ở bản Mường Lống (xã Tri Lễ) phải lên tận núi cao mới có sóng điện thoại, nhưng cũng chập chờn, tìm được nơi sóng liên lạc ổn định, anh chặt nứa dựng một túp lều tạm cho con trai và cậu bạn cùng lớp học bài. Gia đình đều thuộc diện khó khăn, nhưng cả 2 đều rất ham học.

Cô Lữ Thị Thanh Hải (Chủ nhiệm lớp 6A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong) cho biết, Dần và Thành ở vùng khó khăn nhất của huyện, khu vực gia đình ở có địa hình “lòng chảo” không có sóng, muốn học online thì phụ huynh phải đưa các em lên núi cao. Khi phụ huynh của hai em xin cô tên đăng nhập và mật khẩu để cho con vào học, cô đã rất bất ngờ và xúc động.

Học trò vùng cao đùm cơm, đi bộ hàng chục cây số 'hứng sóng' học online - 4

Những bàn học dựng tạm của học trò miền núi xứ Nghệ.

Nghệ An đang triển khai dạy học bằng hình thực trực tiếp và trực tuyến. Tại một số huyện miền núi, do tình dịch dịch bệnh, trang thiết bị học tập của học sinh không đảm bảo nên nhiều giáo viên phải giao bài tập về nhà cho học sinh học.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, đơn vị đã kêu gọi các đơn vị, cá nhân ủng hộ để mua hơn 4.000 chiếc điện thoại di động hỗ trợ các em học sinh khó khăn, không có thiết bị phục vụ học online.

Hành trình đến với lớp học online của những học trò miền núi xứ Nghệ khiến không ít người xúc động.

CTV Nhật Minh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn