Kỳ thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội đang cận kề, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 9 toàn thành phố sẽ bước vào kỳ thi cam go, căng thẳng không kém thi đại học.
Đi học từ hơn 6h sáng, tan học lúc 12h trưa, tranh thủ về nhà ăn trưa và ngủ 15-20 phút, Trần Phương Nhi (Đống Đa, Hà Nội) lại tiếp tục 2 ca học thêm đến 21h tối. Bữa tối thường ăn vội vào giữa 2 ca học thêm hoặc có hôm là 21h30 tối khi đi học về.
Một tuần 7 ngày, thì có đến 5 ngày thời gian biểu của Phương Nhi chật kín với lịch học như trên. Những ngày đi học thêm nhiều, thời gian tự học của em bắt đầu vào khoảng 22h30 đến đêm khuya, hoặc bắt đầu từ 4h sáng.
Nữ sinh lớp 9 chia sẻ, em cảm thấy khá áp lực trước kỳ thi vào 10. Dù bố mẹ không đặt nặng kỳ vọng em phải đỗ trường này trường kia, nhưng bản thân em vẫn cảm thấy rất lo lắng, nhiều khi mơ ngủ em cũng giật mình tỉnh dậy khi thấy mình thi trượt. Em đang cố gắng để có thể hoàn thành tốt nhất kỳ thi và đỗ được vào trường THPT Kim Liên theo đúng nguyện vọng của bản thân và gia đình.
Có con chuẩn bị thi lớp 10, chị Nguyễn Thanh Trà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị đứng ngồi không yên từ mấy tháng nay. Ngay khi có thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào 10, vợ chồng chị lập thức theo dõi để nắm được số lượng thí sinh tham dự kỳ thi cũng như "tỷ lệ chọi” từ đó áng chừng thực lực của con để lựa chọn trường THPT.
Chị Trà cho biết thêm, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ngoài học trên lớp, con gái chị còn học thêm tại trung tâm 3 buổi tối/tuần, 3 buổi học cùng gia sư. “Thời gian gần thi, hàng ngày con thường thức dậy từ 4h sáng để học sớm, buổi tối có hôm thức đến 12h đêm, thậm chí 1-2 giờ sáng. Tôi vẫn động viên con không nên quá căng thẳng, song tự bản thân con đã đặt ra mục tiêu và khá áp lực để đạt được mục tiêu đó”, chị nói.
Vì sao thi vào 10 Hà Nội luôn 'nóng'?
Lý giải về sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hiện nay số trường THPT công lập trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu của thí sinh vào lớp 10. Trong khi đó, lượng thí sinh đăng ký dự thi có năm lên đến gần 100.000 em, nhưng chỉ có khoảng 55-60% trong số đó có cơ hội trúng tuyển trường công. Chỉ tiêu có hạn, nhưng hầu hết phụ huynh nào cũng mong muốn con em mình có 1 suất vào trường công, thậm chí trước đây nhiều phụ huynh còn có tư duy “đã học THPT phải là trường công lập.
Thầy Bùi Mạnh Tùng, Tổ trưởng tổ tự nhiên trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội quá nóng, thậm chí nóng hơn mức cần thiết. Một trong những yếu tố tạo nên sự căng thẳng của kỳ thi là việc thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trước khi thi khiến học sinh gần như không có cơ hội xoay chuyển khi đã biết điểm thi.
“Ví dụ với sức học của mình thí sinh dự định có thể đạt 8 điểm thi môn Toán, nhưng khi đi thi, các con có thể mắc một vài lỗi sai không đáng có khiến điểm số sẽ khác đi rất nhiều. Khi đó, các em không còn cơ hội thay đổi thứ tự nguyện vọng ban đầu, rất dễ dẫn đến những thất bại, căng thẳng. Việc các em không được phép mắc sai lầm cũng là một áp lực rất lớn”, thầy Bùi Mạnh Tùng nói thêm.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của thầy Bùi Mạnh Tùng, những năm gần đây để phù hợp với bối cảnh học sinh phải học online do ảnh hưởng của dịch bệnh, đề thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội đều nhẹ nhàng hơn những năm trước. Điều này nhằm giảm tải kiến thức cho học sinh, song ở một góc độ khác, khi đề dễ hơn, điểm chuẩn cũng tăng cao hơn tạo ra một sức ép ngược cho thí sinh trong quá trình chuẩn bị, đặc biệt khi đăng ký vào các trường top đầu.
Trường công lập không phải lựa chọn duy nhất
Theo thầy Nguyễn Cao Cường, hiện nay hệ thống các trường ngoài công lập ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng, phụ huynh có thêm rất nhiều sự lựa chọn. "Phụ huynh không cần quá căng thẳng với suy nghĩ con buộc phải vào THPT công lập, thay vào đó có thể lựa chọn những mô hình học tập khác để giảm áp lực cho kỳ thi. Dựa trên kết quả học tập năm lớp 9 cũng như tư vấn của thầy cô, cha mẹ nên có sự cân nhắc khi lựa chọn nguyện vọng, tránh ép các con phải thi vào các trường có mức điểm quá cao trong khi năng lực thực tế của vẫn còn khoảng cách nhất định với mục tiêu đó”, thầy Cường tư vấn.
Đồng hành cùng nhiều thế hệ học trò trước ngưỡng cửa “vượt vũ môn” vào 10, thầy Cường cho biết, không ít học sinh ám ảnh với định kiến “trượt cấp 3”. “Bản thân mỗi học sinh trước kỳ thi quan trọng đã vốn rất áp lực và cụm từ “trượt cấp 3” sẽ còn theo các trong những gần họp lớp, gặp lại bạn bè sau kỳ thi, hay qua những lời hỏi han không cần thiết từ mọi người xung quanh. Với nhiều em, lần vấp ngã trong kỳ thi vào 10 khiến các em không còn tự tin”, ông nói.
Bởi vậy, theo thầy Nguyễn Cao Cường, thay vì tạo áp lực, gia đình nên lựa chọn một điểm đến phù hợp với năng lực để sự tự tin của các em được khai phá tốt nhất. Trường THPT công lập không phải sự lựa chọn duy nhất, bởi vậy rất cần có sự chia sẻ từ bố mẹ, gia đình để học sinh tránh những áp lực, tổn thương không cần thiết.
Để giảm áp lực trước kỳ thi vào lớp 10, thầy Bùi Mạnh Tùng cũng khuyên thí sinh cần lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực, mục tiêu của bản thân và gia đình. Thí sinh không nên đặt nguyện vọng quá thấp so với năng lực của bản thân, tránh tiếc nuối khi biết điểm. Song cũng không nên đặt nguyện vọng quá sát với khả năng của bản thân, khiến các em không còn “đường lui” nếu lỡ mắc phải một vài lỗi sai khi làm bài.
“Nếu năng lực của các em ở mức 45 điểm và các em lựa chọn các trường có điểm chuẩn từ 45-46 điểm thì dù có chuẩn bị tâm lý kỹ đến đâu các em cũng sẽ rất căng thẳng, áp lực. Nhưng nếu các em lựa chọn một trường có mức điểm từ 42-43 điểm sẽ cảm thấy an toàn và không quá căng thẳng”, thầy Tùng đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, theo thầy Bùi Mạnh Tùng, để rèn luyện kỹ năng làm bài, biết cách cân đối thời gian cũng như làm quen với tâm lý trong phòng thi, thí sinh nên tự làm các bài kiểm tra tính giờ trong giai đoạn ôn thi nước rút.
Bình luận