Sinh ra trong một gia đình thuần nông, gia cảnh khó khăn nên học hết lớp 8 ông Tấn nghỉ học về phụ giúp gia đình. Sau khi kết hôn, cũng giống như đa số người dân địa phương, ông Tấn chọn cây mía và cây mì là đối tượng canh tác chính. Với 30ha mía và 5ha mì khiến ông làm việc không xuể, đặc biệt là mỗi khi lên luống để trồng và xới cỏ. Ông Tấn phải thuê nhân công, song chi phí rất lớn do khan hiếm người. Vậy nên hiệu quả kinh tế chẳng được là bao.
Cứ mỗi khi nhìn mênh mông đồi mía trải dài ông Tấn lại tiếc công sức mình bỏ ra thì nhiều mà tiền thu về thì ít. Từ đó ông suy nghĩ về chiếc máy có thể lên luống, xới đất và nạo cỏ cho mía.
Nghĩ là làm, ông Tấn bắt tay vào làm bằng việc mua một chiếc xe máy cũ về để lấy động cơ, rồi nào nhông xích, bánh răng, trục sắt thép… Vốn không có kinh nghiệm chế tạo lại cũng chẳng hiểu biết về hàn xì, nhưng cũng may cả 3 người con của ông Tấn lại là thợ cơ khí. Ông chỉ cần mua đồ về và nhờ các con giúp.
Sau một năm mày mò, hết tháo lại lắp, đến năm 2011 chiếc máy xới đa năng đầu tiên ra đời, song không thể hoạt động được. Ông Tấn không nản chí, tiếp tục chỉnh sửa, khắc phục lỗi sai, sau 6 tháng thì chiếc máy xới đa năng lần 2 ra đời. Lần này ông Tấn đã thành công. Máy có thể cày được đất, đánh được cỏ, lên được luống như ông mong đợi.
Ông Tấn cho biết, máy có thể xới được 8000m2 cỏ mía mỗi ngày, bằng khoảng 15-20 lao động thủ công. Trong khi đó chỉ tiêu tốn 4 lít xăng. Như vậy, mỗi vụ ông Tấn có thể tiết kiệm lên đến cả trăm triệu tiền thuê nhân công.
Máy xới đa năng của ông Tấn có thể cày với đất cày lên có độ sâu từ 10-15 cm, xới được sạch vỏ, ngoài ra còn có thể vun luống rất tiện dụng.
Với công năng ưu việt chiếc máy xới đa năng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân. Ông Tân cũng đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, ông cho biết giá mỗi chiếc máy xới đa năng này khoảng 3,5 triệu đồng.
Ông chia sẻ thêm rằng ông sẽ tiếp tục có những cải tiến để chiếc máy xới đa năng này có thêm nhiều công năng hơn giúp bà con nông dân.
Bình luận