• Zalo

Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm

Đại hội Đảng XIIIThứ Tư, 27/01/2021 16:34:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, chúng ta phải xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ, hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm.

Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Đại hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.  

Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm - 1

Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang. (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó chánh án Lê Hồng Quang, nhìn lại 15 năm gần đây, các Tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%/năm. Ví dụ, năm 2020 Tòa án các cấp thụ lý 602.000 vụ việc các loại, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2005 và gấp hơn 2 lần so với năm 2010.

Mặc dù số lượng biên chế của các Tòa án cơ bản không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng Tòa án các cấp đã rất nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra; hàng năm giải quyết, xét xử từ 95-98% số vụ việc thụ lý. Có được thành tích đó, bên cạnh những nỗ lực của toàn hệ thống Tòa án, còn phải kể đến yếu tố quan trọng đó là kết quả của thực hiện cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án.

"Trước khi cải cách tư pháp, chúng ta coi việc giúp dân là làm thay cho dân dẫn đến Tòa án phải thực hiện nhiều hoạt động tố tụng, còn người dân thì bị động khi đến Tòa án. Nhưng với tư duy đổi mới và cải cách tư pháp, trong xét xử hình sự, các phán quyết của Tòa án không chỉ căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ, mà còn phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các phán quyết ấy không chỉ đưa ra những chế tài trừng trị, răn đe mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa.

Đối với việc giải quyết, xét xử các loại tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, Tòa án giờ đây giữ vai trò trọng tài, tạo điều kiện và hướng dẫn, giúp người dân thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng do luật định, theo thủ tục minh bạch để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Do vậy, công việc của Tòa án giảm đáng kể và hoạt động hiệu quả hơn; các Thẩm phán chuyên tâm hơn trong việc việc giải quyết, xét xử; các nguồn lực của Nhà nước và của Tòa án được sử dụng hợp lý hơn", ông Lê Hồng Quang cho hay.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao, qua thực hiện cải cách tư pháp, hoạt động xét xử được coi trọng. Tranh tụng tại Tòa án không chỉ diễn ra ở tranh tụng về nội dung mà còn được thể hiện cả về hình thức, cách bố trí phiên tòa để đảm bảo công bằng, bình đẳng khi tranh tụng. Như vậy, Tòa án vẫn giúp đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nhưng không làm thay người dân, mà vẫn tuân thủ nghiêm nguyên tắc pháp chế, đồng thời đảm bảo được công lý, công bằng xã hội.

Trước đây, để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, các cán bộ Tòa án phải điều tra, nắm bắt tình hình, xuống địa bàn để tìm hiểu các mối quan hệ, phải hướng dẫn cho người dân về từng nội dung, từng văn bản. Qua thực hiện cải cách tư pháp, Tòa án thể hiện sự gần dân ở việc tạo điều kiện để người dân dễ dàng tìm đến công lý; nắm bắt được các văn bản, trình tự tố tụng và công việc của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích của mình.

Tòa án đã đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính - tư pháp, mẫu hóa các văn bản tố tụng; công bố bản án và ban hành án lệ để người dân dễ dàng biết được đường lối giải quyết những vụ việc tương tự; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để người dân tiếp cận hoạt động tố tụng từ xa, cho phép người dân nộp đơn khởi kiện và nhận các văn bản tố tụng qua giao thức điện tử…

Như vậy, với sự giúp sức của internet và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khoảng cách gần dân về địa lý, về thể chất được thay thế bằng việc Tòa án phục vụ người dân mà không cần yêu cầu họ phải đến trụ sở Tòa án, trong khi vẫn thực hiện được đầy đủ các quyền năng của mình một cách nhanh chóng, hiệu quả.

"Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế; vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp chưa phát huy được thế mạnh; niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn; hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tố tụng tư pháp còn bất cập, chi phí tuân thủ cao gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp chưa được đổi mới mạnh mẽ, chưa bắt kịp với những đổi mới về kinh tế - xã hội của đất nước; việc phân định một số chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa khoa học.

Nhìn chung, hoạt động của cơ quan tư pháp cần phải tiếp tục cải cách để đáp ứng được mong mỏi và yêu cầu của Đảng, kỳ vọng của Nhân dân, cũng như phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan và chủ quan; song nguyên nhân trước hết là do việc nhận thức, quán triệt, thực hiện phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” vẫn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất. Do vậy, khi triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp có lúc, có nơi thiếu quyết tâm, còn lúng túng và bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ.

"Bên cạnh thành tựu đạt được, việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân là gốc” trong hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại nhất định, như việc cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động tư pháp cần nỗ lực nhiều hơn nữa; vai trò giám sát chưa phát huy hết thế mạnh; pháp luật về tố tụng còn bất cập.

Tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp đôi lúc chưa bắt kịp những đổi mới về kinh tế - xã hội; việc phân định một số chức năng, nhiệm vụ chưa được đồng bộ. Nhìn chung, hoạt động của cơ quan tư pháp cần phải tiếp tục cải cách để hoàn thiện hơn", Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang khẳng định.

Kế thừa thành quả của thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, căn cứ Kết luận số 84 của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 49 trong đó xác định: nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của BCH Trung ương về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp, Ban cán sự đảng TAND Tối cao đề xuất một số quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn hậu 2020 như sau:

Kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp.

Cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước. Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo như sau:

Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, tinh gọn, hiệu quả.

Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân.

Hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử và Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử.

Đề cao vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống chính trị; xác định đây là thiết chế độc lập; có cơ chế phù hợp đảm bảo độc lập tư pháp.

Kế thừa và phát huy kinh nghiệm cải cách tư pháp đã đạt được; tập trung giải quyết những nhiệm vụ cải cách chưa hoàn thành; tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến.

Xây dựng cơ chế phù hợp, hạn chế tác động từ những chủ thể khác đối với hoạt động tư pháp; thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, cũng như sự vô tư, khách quan, liêm chính của hệ thống TAND.

“Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo, sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, cũng như hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là tin tưởng, ủng hộ của đồng bào cả nước, hệ thống tòa án sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương của Đảng, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, ông Lê Hồng Quang phát biểu.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn