Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc gày 31/10 cho biết, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) ngành sản xuất nước này đã giảm từ mức 50,2 trong tháng 9 xuống 49,5 trong tháng 10.
Trong khi đó, PMI phi sản xuất cũng đứng ở mức 50,6 trong tháng 10, so với 51,7 trong tháng 9.
Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Sự sụt giảm bất ngờ của PMI sản xuất cho thấy sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc là một con đường gập ghềnh vì nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ chính phủ có thể sẽ tăng thâm hụt tài chính vào năm tới và hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế bền vững. Trong khi đó, các chính sách trong lĩnh vực bất động sản cần phải được điều chỉnh để tránh gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế”.
Kể từ tháng 6, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm cắt giảm lãi suất ở mức khiêm tốn, tăng cường bơm tiền mặt và kích thích tài khóa tích cực hơn.
Nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng trưởng hơn mong đợi trong quý 3 với mức tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hoạt động tiêu dùng và công nghiệp trong tháng trước cũng tăng đáng ngạc nhiên, cho thấy hiệu quả của loạt chính sách thúc đẩy trên.
Các nhà kinh tế đều điều chỉnh dự báo tăng trước của họ sau khi Bắc Kinh tuần trước đã phê duyệt đợt phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trong quý 4/2023. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng thông qua dự luật cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ để hỗ trợ đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan thống kê hồi đầu tháng này chỉ ra rằng, Trung Quốc chỉ cần tăng trưởng kinh tế 4,4% trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài là lực cản lớn với nền kinh tế thứ 2 thế giới, đồng thời tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng tạo thêm thách thức cho các cơ quan chức năng Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy đà tăng trưởng.
Bình luận