• Zalo

Hoàn thành dự toán thu năm 2022: Tổng cục Thuế chỉ đạo gì?

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Ba, 08/11/2022 10:48:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn tại hội nghị giao ban công tác tháng 10/2022, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 11/2022 được tổ chức vừa qua.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2022 đạt dự toán được giao và tăng trưởng khá so cùng kỳ ước đạt khoảng 1.219.960 tỷ đồng, đạt 103,8% dự toán, bằng 114,7% so cùng kỳ.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 65.536 tỷ đồng; Thu tiền sử dụng đất ước đạt 173.168 tỷ đồng, bằng 128,3% dự toán; Thu nội địa ước đạt 1.154.428 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán; Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 881.004 tỷ đồng, bằng 96,3% dự toán, bằng 107,2% so với cùng kỳ. Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 87%).

Tuy nhiên, đến hết tháng 10/2022, tiến độ thực hiện thu của một số địa phương còn thấp, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ theo dõi sát tiến độ thu của các Địa phương này để chỉ đạo khai thác tăng thu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu dự toán năm 2022.

Hoàn thành dự toán thu năm 2022: Tổng cục Thuế chỉ đạo gì? - 1

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn và Thứ trưởng Cao Anh Tuấn tại Hội nghị giao ban Bộ Tài chính. (Ảnh: Đức Minh)

Để việc đảm bảo thu ngân sách bền vững, Tổng cục Thuế cũng đã liên tục triển khai nhiều giải pháp khác nhau, một trong những giải pháp chính là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tính đến hết 31/10/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 55.840 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 75,56% kế hoạch năm 2022 được giao và bằng 106,8% so với cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là trên 51.220 tỷ đồng.

Qua thời gian hơn 2 năm triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương, tính tới thời điểm hiện tại, ngành Thuế cơ bản hoàn thành công tác xử lý khoanh nợ thuế và đang tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt, triệt để công tác xử lý khoanh nợ, xóa tiếp phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019 của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành công tác này sớm trong đầu năm 2023 và kịp thời tổng kết, báo cáo với Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ nhất năm 2023.

Kết quả lũy kế từ khi triển khai Nghị quyết 94 đến hết tháng 9/2022, toàn ngành Thuế đã xử lý khoanh nợ, xóa nợ được trên 34.870 tỷ, đạt 85,04% tổng số dự kiến phải xử lý.

Để từng bước hình thành thói quen mua hàng hóa dịch vụ phải lấy hóa đơn, sau khi thực hiện thí điểm chương trình “Hóa đơn may mắn”, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” trong toàn hệ thống Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả tính đến nay, có 46/63 Cục Thuế đã tổ chức thành công Chương trình lựa chọn hóa đơn may mắn. Thông qua chương trình Hóa đơn may mắn nhằm khuyến khích người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bảo vệ quyền lợi cho người mua.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, đến nay, Tổng cục Thuế tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 15 ngân hàng (tăng 6 ngân hàng so với thời điểm mới triển khai) và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới.

Cùng với đó, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các NCCNN, kết quả sau hơn 7 tháng triển khai và chính thức đi vào vận hành từ 21/3/2022, đã có 37 Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế thành công với tổng số tiền trên 3.170 tỷ đồng.

Đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị, song Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, các đơn vị thực hiện công tác điều hành thu - chi NSNN phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 và có dư địa để làm tốt nhiệm vụ của năm 2023.

Hoàn thành dự toán thu năm 2022: Tổng cục Thuế chỉ đạo gì? - 2

Hội nghị giao ban Bộ Tài chính tại điểm cầu Tổng cục Thuế.

Về thực hiện dự toán thu, hiện chỉ còn 2 địa phương gặp khó khăn, vì vậy Tổng cục Thuế cần chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành dự toán thu của cả năm 2022. Trong tháng 11, Tổng cục Thuế cần đẩy nhanh việc xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử để kết nối thông tin, giao dịch thương mại trong nước, song phải thêm chức năng ủy quyền kê khai và các tổ chức, cá nhân tự giác kê khai”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Tạ Anh Tuấn cho biết, thời gian từ nay đến hết năm chỉ còn 2 tháng, trong khi khối lượng công việc nhiều, do vậy, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ công việc, nhất là các đề án báo cáo Quốc hội, Chính phủ. Đối với công tác điều hành NSNN, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đánh giá, tình hình thu chi NSNN cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều dấu hiệu khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến công tác thu - chi NSNN. Do đó, các đơn vị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ NSNN, Kho bạc Nhà nước…cần phối hợp xử lý để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu của cả năm 2022 và có dư địa hoàn thành cho năm 2023.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn