Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ đoạn video quay cảnh Phạm Trọng Đạt (học sinh lớp 6/1, trường THCS Long An) nhặt rác thông miệng cống thoát nước ở xã Long An (Long Thành, Đồng Nai).
Nhìn hình ảnh cậu học trò nhỏ không áo mưa, không mũ nón lặng lẽ làm điều tử tế dưới cơn mưa nặng hạt khiến ai thấy cũng xúc động. Nhưng ít ai biết, phía sau hình hài nhỏ bé và hành động tử tế đó là một số phận đáng thương.
Mẹ bỏ đi biệt xứ
Đến ấp Xóm Trầu (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) hỏi gia đình ông Mười Cộng không ai không biết. Ông Mười Cộng vốn là thương binh, lại bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên cơ thể yếu ớt. Gần đây, do tai biến nên ông phải nằm một chỗ. Bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1953) - vợ ông, vừa chăm chồng, vừa nuôi dạy các cháu.
Ông bà vốn có 3 người con, 2 trai 1 gái. Do bị ảnh hưởng bởi cha, 2 người con trai của ông bà không bình thường, nhanh nhẹn như người ta. Người con trai thứ 2 bị nhẹ hơn nên vẫn tự lao động, thế nhưng 37 tuổi mà mãi không có vợ con.
Người con út bị di chứng nặng hơn, không biết bao phen khiến bà phải khổ sở, sợ hãi. “Ngày trước nó cũng học hành thông minh, giỏi giang. Tự nhiên lên lớp 10 cái nó dở chứng, cãi cô giáo, cãi cha mẹ. Tôi đưa đi khám thì người ta nói nó bị khùng. Từ đó nó cứ đi lang thang, chỗ này chỗ kia. Nó đi thì không sao, chứ về nhà là chửi bới, đòi đánh, đòi giết tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ đến chuyện chết đi cho rồi, sống làm gì mà khổ sở, nhưng nhìn 2 đứa cháu với chồng tôi lại cắn răng cố gắng mà sống”, bà Thu tâm sự về người con út.
Hai đứa cháu mà bà Thu nói là Phạm Trọng Đạt - cậu bé “mưa” nhặt rác để thông ống cống mà những ngày qua cộng đồng mạng khen ngợi và chị gái - Phạm Hoàng Ánh (sinh năm 2005).
Chính vì nỗi thất vọng lớn về 2 người con trai, bà Thu từng hạnh phúc biết bao khi con gái đầu Phạm Tú Nhi (SN 1980) - mẹ Đạt học hành giỏi giang, thi đậu đại học rồi về làm việc ở huyện ủy Long Thành. Năm 2005, chị Nhi kết hôn với một chàng trai người Bắc làm ngành nông nghiệp - thú y. Đám cưới đơn giản, đầm ấm được 2 gia đình tổ chức. Những năm sau đó, 2 đứa con ra đời.
Nhưng rồi duyên số đứt đoạn, bố mẹ Đạt li hôn.
Chẳng bao lâu sau, do nợ ngân hàng, ngôi nhà của mẹ Đạt bị phát mãi. Xấu hổ với đồng nghiệp, tự ti bản thân, chị Nhi bỏ việc rồi đi biệt xứ. Thương 2 đứa cháu còn chưa hết tuổi thơ đã thiếu thốn cả cha lẫn mẹ, ông bà ngoại đón Đạt và chị gái về chăm sóc.
“Ngôi nhà của mẹ cháu bị phát mãi nhưng có người cậu thương nên đứng ra mua lại, rồi cho chúng tôi ở lại đó. Khi nào vợ chồng tôi chết, trả lại nhà cho cậu. Còn mẹ Đạt trước cũng có gọi về, bây giờ thì gần như biệt tích. Lần gần nhất gọi về, nó bảo mẹ cố nuôi cháu giúp con, rồi từ đó đến nay không thấy thông tin gì nữa”, bà Thu kể lại.
Với vị trí là một người mẹ, bà Thu từng hy vọng được các con phụng dưỡng khi về già. Hoặc chí ít, vợ chồng bà sẽ sống những năm cuối đời an nhiên bên nhau. Thế nhưng, số phận khiến bà lần nữa gánh thêm 2 đứa cháu nhỏ dại. Lớn tuổi nên bà chẳng thể đi làm được việc gì xa xôi, trong khi các con đều không ai phụ giúp. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình 4 người phụ thuộc hết vào tiền lương hưu của ông Mười Cộng.
Khó khăn là thế, bà Thu vẫn tự dặn mình nhất định phải nuôi các cháu ăn học tử tế. Bà đùa rằng mình đẻ chỉ 3 lần nhưng nuôi đến 5 đứa con. “Chẳng biết sau này chúng có báo hiếu cho tôi không nữa”, bà cười như mếu.
Âm thầm thông cống từ lâu
Ngày thường, buổi sáng Đạt đi đến cách nhà ông cậu khoảng 3km để coi nhà. Buổi chiều, Đạt đến trường rồi về nhà. “Trước đây là tôi coi nhà cho ông cậu, rồi đến tháng cậu đóng tiền học phí cho chị gái Đạt. Mà dạo này chồng đang bệnh nên tôi phải ở nhà, Đạt đi thay”, bà Thu nói.
Cuộc sống của Đạt sẽ bình thường trôi qua như thế, chẳng ai biết đến hành động của em nếu camera không vô tình ghi lại được. Chỉ với bộ đồng phục học sinh, không áo mưa, Đạt dừng xe lại trước cống thoát nước rồi cúi xuống nhặt hết đống rác đang che miệng cống để khơi thông dòng chảy.
Hành động đáng yêu ấy đốn tim cộng đồng mạng, khiến nhiều người phải khâm phục vì dù còn nhỏ tuổi nhưng Đạt đã có ý thức hơn rất nhiều người.
Hỏi Đạt vì sao lại làm thế, cậu bé bẽn lẽn nói “vì em thích” rồi ngồi im. Thì ra Đạt vẫn âm thầm nhặt rác ở các miệng cống từ lâu nay. Và không chỉ một, trên đoạn đường đi học về, chỗ nào cống có rác, em lại dừng xe nhặt bỏ lên lề đường. Đạt nghĩ đơn giản rằng nếu chẳng vớt lên thì làm sao nước chảy được. Thế nên chẳng cần ai dặn hay chỉ bảo, Đạt tự làm lấy công việc mà em nghĩ là nên làm. Hành trình ấy của cậu bé cứ lặng lẽ như thế.
Cũng vì bình thường, Đạt chẳng mấy khi nói chuyện hay tâm sự với ai. Thế nên hành cộng của Đạt khiến không chỉ người ngoài, mà chính người trong gia đình cũng bất ngờ.
“Tôi với ông nhà mới đi viện về ngày trước, thì hôm sau ban ấp đến hỏi thăm. Người ta nói Đạt làm việc tốt được tuyên dương. Tôi bất ngờ quá trời, chẳng ai dặn cháu làm thế cả. Vừa rồi người ta đến nói tôi mới biết”, bà Thu cười hạnh phúc.
Thế nhưng từ lúc nổi tiếng, thấy nhiều người đến thăm, cậu bé tỏ ra sợ hãi. Bà ngoại Đạt kể rằng, mấy ngày gần đây, thấy nhiều người đến, Đạt lại trốn đi khiến bà phải tìm rất vất vả. Có lẽ vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ bỏ đi biệt xứ không về, bố thì chẳng mấy khi hỏi han nên Đạt trở nên trầm lắng, ít nói và ngại giao tiếp.
Chia sẻ với PV VTC News, cô Phan Thị Ngọc Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Long An đánh giá, Đạt là học sinh ít nói, trầm lắng. Thế nhưng, cứ vào những ngày trời mưa, sau khi tan học, Đạt lại đến tất cả các miệng cống xung quanh khuôn viên nhà trường để móc hết rác lên.
“Về góc độ nhà trường, tôi đánh giá đây là hành động tự phát và rất đẹp. Có lẽ đó là việc hàng ngày Đạt làm nhưng không ai biết, nó thấm vào máu của em. Còn về góc độ cá nhân, tôi thật sự tự hào và hãnh diện vì có một học sinh như vậy”, cô Mai chia sẻ.
Được biết, sau khi chứng kiến hành động đẹp mà Phan Trọng Đạt làm, đồng thời biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhà trường, lãnh đạo địa phương có những lời động viên, món quà tinh thần để vinh danh cậu học trò nhỏ.
Video: Gặp cậu bé nhặt rác thông miệng cống khiến dân mạng cảm phục
Bình luận