• Zalo

Hóa mỹ phẩm 'vỏ to ruột bé': Nếu cấu xén của người dùng nhà sản xuất sẽ bị khởi tố

Kinh tếThứ Tư, 29/07/2015 07:12:00 +07:00Google News

Hóa mỹ phẩm 'vỏ to ruột bé': Nhà sản xuất lý giải như thế nào?

(VTC News) - Đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng cho hay, nếu nhà sản xuất có dấu hiệu "cấu xén" của người dùng bằng cách đóng chai sản phẩm dưới hình thức "vỏ to, ruột nhỏ", không đủ trọng lượng công bố có thể sẽ bị khởi tố khi người dùng khiếu kiện.

Nhà sản xuất hoàn toàn có thể bị khởi tố

Trả lời phỏng vấn của PV VTC News liên quan đến những khảo sát cho thấy một thực tế là hiện nay các sản phẩm hóa mỹ phẩm nội địa thường có dung tích nhỏ hơn nhiều so với thể tích chai, hộp như báo đã phản ánh trong bài viết  Hóa mỹ phẩm 'vỏ to ruột bé': Nhà sản xuất đang cấu xén của người dùng?, đại diện Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc nhà sản xuất có hiện tượng "cấu xén", ăn bớt của người tiêu dùng bằng cách làm "vỏ to ruột bé" hay không vẫn chưa thể khẳng định được, vì đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy.

Thông thường việc kiểm tra và đánh giá về chất lượng của một sản phẩm phải được thực hiện bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Sau khi có kết quả giám định cụ thể mới có thể khẳng định được việc nhà sản xuất có vi phạm các quy định về bao bì đóng gói hàng hóa hay không.

"Nếu như các chai, can, túi to là để các nhà sản xuất "hút" người tiêu dùng hơn mà lượng hóa phẩm bên trong vẫn đúng với thể tích thực thì không có vấn đề gì. Còn nếu để nói rằng nhà sản xuất có dựa vào việc làm "vỏ to" để "ăn bớt" ruột bên trong hay không thì trước hết vẫn phải đưa về Tổng cục kiểm tra.

Trong trường hợp có dấu hiệu nhà sản xuất vi phạm thì lúc đó người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khiếu nại, mặt khác nhà sản xuất cũng sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", vị đại diện này cho biết thêm.

Nhà sản xuất hoàn toàn có thể bị khởi tố khi có dấu hiệu lợi dụng làm "vỏ to ruộ bé" để "cấu xén" quyền lợi của người tiêu dùng - Ảnh minh họa
Còn theo Ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các tiêu chuẩn, quy định về bao bì, đo lường định lượng hàng đóng gói sẵn đã được thể hiện rõ ràng trong thông tư số 21 của Bộ Khoa học và Công nghệ được ban hành cách đây một năm.

Trong đó, việc tiên quyết là các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa phải đảm bảo lượng hàng thực bên trong phải đúng với lượng danh định tức lượng được viết trên nhãn, bao bì bên ngoài.

Lượng danh định (khối lượng tịnh hay thể tích thực) phải được ghi bằng cách in, gắn hoặc dán trực tiếp lên trên hàng đóng gói sẵn hoặc trên nhãn, bao bì ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trong điều kiện trưng bày buôn bán thông thường.

Theo ông Điệp, quan trọng nhất là trong thông tư 21 cũng đã quy định cụ thể về hình dáng, kích thước bao hàng đóng gói sẵn, đó là không được có hình dáng, kích thước và các cấu trúc khác thường như đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ để "ăn gian" về lượng hàng chứa bên trong, gây nhầm lẫn và lừa dối khách hàng.

Do việc định lượng hàng hóa không có sự chứng kiến trực tiếp của người mua nên Bộ cũng đã quy định rõ ràng về hình dáng, kích thước của bao bì hàng hóa cũng như yêu cầu về lượng danh định của hàng hóa trên bao bì để nhà sản xuất tự kiểm soát và thực hiện.

Đây cũng chính là căn cứ pháp lý để cho người tiêu dùng hay các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát đối với lượng của hàng đóng gói sẵn. Mặt khác đó cũng là căn cứ để khiếu nại và thậm chí là khởi tố ra pháp luật đối với những nhà sản xuất có dấu hiệu vi phạm.

Nhà sản xuất nói gì?

Phúc đáp lại những phản ánh của người tiêu dùng qua VTC News, Công ty Unilever Việt Nam - một trong những nhà sản xuất lớn chuyên về ngành hàng tiêu dùng nhanh hiện nay - thông tin: "để thuận lợi cho toàn bộ quá trình sản xuất đóng gói và vận chuyển lưu thông, các nhà sản xuất thường sử dụng bao bì với kích thước lớn hơn lượng dung tích sản phẩm thực cần đóng gói".

Hình ảnh can nước rửa bát Sunlight 3,8kg có lượng dung dịch bên trong chỉ đầy hết 3/4 can

Cụ thể, trong quy trình sản xuất công nghiệp, lượng dung dịch bên trong của các sản phẩm hóa mỹ phẩm thường không được lấp đầy chai là nhằm để bảo vệ hàng đóng gói sẵn (tức lượng sản phẩm thực bên trong được đóng trong chai), do yêu cầu của thiết bị vận hành được dùng để bao gói hàng và do yêu cầu của việc vận chuyển sản phẩm.

Công ty Unilever cho biết, các sản phẩm  và lượng danh định (tức khối lượng tịnh hoặc thể tích thực) của sản phẩm được công ty kiểm soát chặt  trong quá trình sản xuất, phù hợp theo quy định đo lường của Việt Nam.

Ngoài ra, trên các sản phẩm hóa mỹ phẩm, khối lượng tịnh hay thể tích thực luôn được ghi rõ trên mặt trước hoặc mặt sau của bao bì, đảm bảo người tiêu dùng được thông tin đầy đủ về lượng thực của sản phẩm.

Theo đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm sẽ được sử dụng toàn bộ lượng thực (lượng danh định) như đã công bố trên bao bì chứ không phụ thuộc vào trọng lượng hay kích thước của bao bì.

Unilever cũng khẳng định, việc đóng gói các sản phẩm hóa mỹ phẩm như hiện tại là hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước đó, theo phản ánh của người tiêu dùng, PV VTC News đã có khảo sát các sản phẩm hóa mỹ phẩm tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó,
nhiều sản phẩm nước giặt, nước rửa bát (loại can 3 - 5 lít) nhìn từ bên ngoài thì thấy lượng dung dịch bên trong chỉ đầy được 3/4, thậm chí 2/3 can.

Ví dụ một can nước giặt OMO Matic dành cho máy giặt cửa trên, khối lượng tịnh 2,7 kg (thể tích thực 2,6 lít) thì sản phẩm có vỏ can nhựa khá to, cầm nặng tay nhưng nhìn rõ được bên trong, lượng nước giặt chỉ đầy có 3/4 can.

Sản phẩm nước rửa bát Sunlight 3,8 kg cũng tương tự như vậy, dù vỏ can trông rất "hoàng tráng" nhưng lượng dung dịch nước rửa bên trong cũng không được đầy đặn.

H. Anh
Bình luận
vtcnews.vn