Chỉ dẫn dắt một trong hai đội: hoặc tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022, hoặc U23 Việt Nam tại SEA Games 2019, HLV Park Hang Seo đã ra tối hậu thư cho những nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Vì sao ông Park chỉ muốn chọn một trong hai đội? Vì sao VFF cần cả hai đội tuyển chiến thắng?
Cái lý của HLV Park Hang Seo
Rất nhiều lần trong thời gian qua, HLV Park Hang Seo đã nói tới chuyện không muốn kiêm nhiệm cả hai đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Ngày 18/2, trước giờ lên máy bay trở lại Việt Nam, ông có cuộc trao đổi công khai với truyền thông Hàn Quốc. Thông điệp rõ ràng một lần nữa được phát đi. Ông nói: “Ở Việt Nam, họ muốn tôi huấn luyện cả hai đội, nhưng tôi chỉ muốn dẫn dắt một đội tuyển”.
Dẫn dắt hai đội tuyển là một chi tiết cực kỳ quan trọng và được ghi rõ trong hợp đồng của HLV Park Hang Seo ký với VFF hồi năm 2017. Nói thế để thấy, nếu không có những lý do thực sự nặng ký, ông Park sẽ không đi tới lời đề nghị.
Thứ nhất, hãy nói về khối lượng công việc.
Giống như năm 2018, 2019 vẫn là một mùa giải bận rộn của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển quốc gia sẽ chơi 2 trận giao hữu theo lịch FIFA vào tháng 6, 6 trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 vào cuối năm. Tổng cộng, đội tuyển tập trung 36 ngày, chơi 8 trận chính thức, kết thúc nhiệm vụ hôm 19/11.
Không tính U22 Việt Nam đang được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Quốc Tuấn, thầy Park sẽ bắt đầu làm việc cùng U23 Việt Nam từ tháng 3. Giải đấu đầu tiên là vòng loại U23 châu Á 2020. Thời gian tập trung và thi đấu kéo dài 17 ngày.
Cuối năm, U23 Việt Nam tiếp tục tập trung cho SEA Games 2019 và vòng chung kết U23 châu Á 2020. Nếu đội tuyển đi tới trận chung kết, U23 Việt Nam sẽ hội quân ngày 20/11 và kết thúc hôm 27/1 năm sau. Trên hành trình đó, họ sẽ đá 16 trận trong 69 ngày.
Nếu dẫn dắt cả tuyển Việt Nam và U23 quốc gia trong năm 2019, HLV Park Hang Seo sẽ làm việc trong 11 tháng liên tục, tính từ ngày 18/2 tới 27/1/2020. Trong đó, ông có 105 ngày làm việc cường độ cao với các đội tuyển, dẫn dắt tổng cộng 24 trận chưa kể giao hữu.
Ở tuổi 60, đó là một cường độ lao động không tưởng. Lưu ý, năm ngoái, ông Park cũng phải cùng bóng đá Việt Nam dự 4 giải đấu lớn. Giảm tải cho HLV trưởng là lựa chọn bắt buộc của VFF.
Thứ hai, ông Park đã giành hạng tư World Cup trong chiến dịch 2002 lịch sử của bóng đá Hàn Quốc. Ông cũng từng là HLV trưởng U23 Hàn Quốc giành HCĐ ASIAD 2002, từng vô địch AFF Cup, vào tới tứ kết Asian Cup với bóng đá Việt Nam.
Với từng ấy danh hiệu, ông không cần chứng minh bất kỳ điều gì ở Đông Nam Á nữa. Ê kíp của ông Park hiểu rằng một tấm HCV SEA Games, dù ấn tượng tới đâu, cũng không thể làm đẹp thêm bản CV hiện tại của chiến lược gia người Hàn Quốc. Giống như những cậu học trò Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Công Phượng, họ chỉ còn quan tâm tới một điều: tiến ra châu lục.
Thứ ba, loạt trận quyết định vòng loại World Cup và giai đoạn đầu SEA Games cùng diễn ra trong tháng 11. Quá khó để ông Park có thể cân bằng và làm tốt cả hai nhiệm vụ.
Đặt đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup và U23 Việt Nam tại SEA Games lên bàn cân, HLV Park Hang Seo rõ ràng không thể chọn U23.
Cái lý của bóng đá Việt Nam
Ai cũng hiểu đấu trường châu lục là sân chơi quan trọng hơn. Nhưng với bóng đá Việt Nam, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) ra đời năm 1959 tại Bangkok. Tính tới hôm nay, giải đấu đã có 60 năm lịch sử. Như HLV Park Hang Seo từng nói, “SEA Games là Olympic của Đông Nam Á”. Giải đấu này không chỉ quan trọng với bóng đá, nó một thời còn là kim chỉ nam của cả nền thể thao Việt Nam.
28 năm đã qua kể từ ngày tuyển Việt Nam trở lại SEA Games, bóng đá nam chưa một lần giành HCV. 5 trận chung kết, tuyển Việt Nam và sau này là U23 Việt Nam đều bại trận. Do đã 2 lần đăng quang AFF Cup, SEA Games trở thành danh hiệu đáng khao khát nhất của bóng đá Việt Nam. Nó vừa là niềm khát khao, vừa là nỗi day dứt đầy ám ảnh.
Càng ám ảnh thì càng muốn giành được, càng khát khao thì càng phải đầu tư. Trong cuốn tự truyện của mình, cựu thủ quân tuyển Việt Nam Lê Công Vinh kể rằng đội tuyển từng xin nghỉ ngơi tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 để giữ sức đá SEA Games 2007. Ở một tình huống tương tự hồi năm 2013, HLV trưởng Hoàng Văn Phúc cũng lùi xuống dẫn dắt U23 Việt Nam dự SEA Games và trao quyền cầm quân tuyển quốc gia tại vòng loại Asian Cup cho trợ lý Nguyễn Văn Sỹ.
Mới đây thôi, trước thềm SEA Games 2017, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức còn cay cú tới mức tuyên bố “không vô địch SEA Games thì nên từ chức hết”.
Hơn hai thập kỷ, từ Hồng Sơn tới Văn Quyến, Công Vinh, từ Alfred Riedl tới Henrique Calisto, tấm HCV SEA Games vẫn là nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam.
Hiện tại cũng là bối cảnh không thể thích hợp hơn cho U23 Việt Nam giành lấy danh hiệu còn thiếu này. Ở Đông Nam Á hiện tại, không một đối thủ nào sở hữu lứa U23 mạnh mẽ như bóng đá Việt Nam.
Cơ hội trăm năm có một ấy, VFF không hề muốn bỏ lỡ.
Đâu là giải pháp?
Vòng loại World Cup là cánh cửa đưa bóng đá Việt Nam tiến ra thế giới. Nhưng SEA Games là danh hiệu duy nhất chúng ta còn thiếu ở Đông Nam Á. Trước lựa chọn khó khăn ấy, thông cảm cho HLV Park Hang Seo nhưng chúng ta cũng hiểu được thế khó của lãnh đạo Liên đoàn.
Bản thân việc dẫn dắt hai đội tuyển vốn là một chi tiết trong hợp đồng. Dù muốn hay không, ông Park cũng phải chấp nhận.
Nhưng so với 2 năm trước, vị thế của thầy Park đã khác trước rất nhiều. Những thành công liên tiếp cùng bóng đá Việt Nam đặt ông Park ở một vị trí khác, một vị trí khiến ông có quyền yêu cầu và đòi hỏi. Đây rõ ràng là thời điểm cả hai bên phải ngồi lại, thấu hiểu khó khăn của nhau và cùng đối thoại.
Thực tế bóng đá Việt Nam cũng cho thấy, VFF từng nhiều lần phải xử lý tình huống tương tự. Một HLV nội như ông Hoàng Anh Tuấn - người đã hỗ trợ thầy Park tuyển quân cho U23 Việt Nam, một trợ lý như ông Lee Young-jin hay một HLV Hàn Quốc khác được giới thiệu bởi công ty đại diện, tất cả đều là những phương án không tồi.
Quan điểm đôi bên có thể khác nhau. Nhưng nếu HLV Park Hang Seo và VFF cùng nhìn về một hướng, câu hỏi nào cũng sẽ có đáp án.
Bình luận