• Zalo

HLV Miura kém cỏi hay bóng đá Việt Nam chưa đủ tầm?

Thể thaoThứ Hai, 14/12/2015 12:00:00 +07:00Google News

HLV Miura liên tục bị chỉ trích, thậm chí bị ghét vì nhồi thể lực quá nhiều cho U23 Việt Nam.

(VTC News) - HLV Miura liên tục bị chỉ trích, thậm chí bị ghét vì nhồi thể lực quá nhiều cho U23 Việt Nam. 

Với một nền bóng đá luôn ở trạng thái "nửa vời" như Việt Nam thì việc HLV Miura ưa dùng các bài tập thiên về thể lực là điều có lý.

Cần phải thẳng thắn một điều rằng, từ trước đến nay, chúng ta chỉ nói về "bản sắc lối chơi kĩ thuật". Chúng ta nghĩ về nó ngay cả khi thực lực chỉ ở mức làng nhàng trong khi cầu thủ thi đấu trên sân đến phút 70 là "hết pin".  
HLV Miura có lý khi bổ sung thể lực cho cầu thủ VN
 HLV Miura có lý khi bổ sung thể lực cho cầu thủ VN (Ảnh: Q.M)
Và xét cho cùng, nếu bóng đá Việt Nam có "bản sắc lối chơi kĩ thuật" rồi, cầu thủ Việt Nam sở hữu kĩ thuật thượng thừa rồi đi chăng nữa, thì đó mới chỉ là một khía cạnh chuyên môn rất nhỏ trong bóng đá. 

Bóng đá cũng như bất kì môn thể thao tập thể thi đấu đối kháng nào khác, đều cần rất nhiều yếu tố để vươn tới cấp độ cao hơn nữa, như kĩ thuật, chiến thuật, sức mạnh, sức bền, thủ thuật thi đấu,... Tùy thuộc vào thể chất, "gen" ở mỗi vùng địa lý, quốc gia mà những yếu tố này sẽ được xây dựng trên một nền tảng nhất định, từ đó mà bổ sung dần các yếu tố khác.

Tạm chỉ nói về hai yếu tố kĩ thuật và thể lực. Ví dụ như ở Nam Mỹ, vì các cầu thủ sẵn có tố chất kĩ thuật cá nhân tốt nên đây sẽ là nền tảng phát triển bóng đá của họ. Nhưng kĩ thuật "hơn người" thôi là chưa đủ, muốn đánh bại dễ dàng những đối thủ mạnh mẽ đến từ châu Phi chẳng hạn, các cầu thủ Nam Mỹ buộc phải có thể lực ít nhất là bằng đối thủ.
U23 Việt Nam còn chưa đủ sức đá với đội hạng 4 Nhật Bản (Ảnh: Quang Minh)
Một ví dụ khác ngay gần đây là Thái Lan, trong trận hòa Iraq 2-2 vòng loại World Cup 2018, ngày 8/9. Nền tảng kĩ thuật là thứ người Thái có sẵn và gần đây đã phát triển đến gần tầm châu Á, nhưng nếu không có nguồn thể lực dồi dào, ngang ngửa Iraq, họ đã không thể san bằng tỉ số sau khi bị dẫn trước 2 bàn. 

Ví dụ cuối cùng, ngược lại với Thái Lan nhưng cũng lấy kĩ thuật làm nền tảng phát triển bóng đá, là Nhật Bản tại World Cup 2014. Vì yếu thế hơn về thể lực, "ông trùm" của bóng đá châu Á đã phải xách vali về nước sớm sau những "màn tra tấn" của Bờ Biển Ngà (1-2), Colombia (1-4) và không thể nào đánh bại Hy Lạp (hòa 0-0) dù được đánh giá cao hơn. 

Quay trở lại với HLV Miura và những vấn đề trong công việc của ông tại Việt Nam, trước khi chỉ trích HLV Miura bảo thủ với triết lý của ông thì chúng ta cũng nên tự hỏi rằng, bóng đá Việt Nam đã bao giờ nhất quán và kiên trì với chính bản sắc của mình chưa?

Hay chúng ta chỉ biết tự huyễn hoặc mình với những điều manh mún trước mắt, chẳng hạn như hiện tại là lứa Công Phương, Tuấn Anh, Xuân Trường,... tài năng?
U23 Việt Nam
 Đông Triều được thử nghiệm đá tiền vệ (Ảnh: Quang Minh)
BLV Quang Huy từng chia sẻ rằng: "Xem một loạt trận đấu của Miura, cũng có cái rất được và cái được ấy không phải tự nhiên đến hay do nền cầu thủ của chúng ta có được như thế. Mà nó là công sức của Miura. 

Nhưng với lề lối làm việc của thượng tầng, thì bất cứ ai thế chỗ Miura sớm muộn gì cũng lãnh hậu quả. Miura không tệ nhưng ông ấy không có được sự kết nối. Tôi thấy ông ấy đáng thương hơn".

Đến lúc này, bầu Đức vẫn đang bảo lưu quan điểm phải sa thải bằng được HLV Miura.

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn