Thành công của U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam trong tám tháng qua đã nâng hình ảnh bóng đá trẻ Việt nam lên một tầm cao mới, từ đại diện "vùng trũng" đến đội bóng được nhiều đối thủ mạnh ở châu lục phải nể phục. Kỳ tích của các đội trẻ vừa là vinh quang, vừa mang tới áp lực cho các cấp độ đội tuyển Việt Nam ở các giải đấu trong tương lai gần.
Video: Cổ động viên reo hò chào đón Olympic Việt Nam ở sân Mỹ Đình
Tuy nhiên, vui với thành tích của U23/ Olympic Việt Nam là một chuyện, song tỉnh táo nhìn nhận vị thế thực sự hiện tại của bóng đá nước nhà lại là câu chuyện rất khác. Theo HLV Lê Thụy Hải, chỉ thành tích ở đội tuyển quốc gia mới là cơ sở nhận định khả năng thực sự của nền bóng đá, thay vì nhìn vào thành tích đội trẻ.
"Khen bóng đá Việt Nam thế nào cho đúng? Khen là ở chỗ chúng ta đã bước lên tầm cao mới, khiến các nền bóng đá trong khu vực phải nể trọng, ngưỡng mộ. Xét trên phương diện tuyển trẻ, chúng ta đã ở tầm vóc mới so với chính chúng ta. Trong quá khứ, bóng đá trẻ Việt Nam chưa từng làm được điều ấy nên nói về kỳ tích của đội tuyển, người ta hay dùng từ "lần đầu tiên".
Dù vậy, muốn định nghĩa bóng đá Việt Nam trên bản đồ bóng đá châu lục, người ta không bao giờ căn cứ vào thành tích đội trẻ. Đội tuyển Quốc gia mới là thước đo chính xác nhất và duy nhất" - HLV Lê Thụy Hải nhận định.
Tuyển Việt Nam sẽ dự AFF Cup 2018 vào tháng 11 tới, sau đó chỉ có một tháng nghỉ ngơi trước khi chuẩn bị cho Asian Cup 2019. Sức ép thời gian và thành tích từ hai giải đấu liên tiếp khiến nhiều ý kiến cho rằng: tuyển Việt Nam nên dành tối đa sự tập trung cho đấu trường châu Á, thay vì phải phân phối sức lực cho AFF Cup. Theo HLV Lê Thụy Hải, không nên cân đo đong đếm xem "chọn gì, bỏ gì" giữa AFF Cup và Asian Cup. Đã tham gia là phải thi đấu nhiệt tình và cố hết sức để có thành tích tốt nhất.
Chỉ những đội bóng đã rất hay, rất mạnh và giàu thành tích ở đấu trường ấy rồi mới nghĩ đến chuyện bỏ giải này để tập trung giải nọ, coi nhẹ giải thấp để tiến đến chơi ở giải đấu ở tầm cao hơn.
"AFF Cup đương nhiên ở tầm thấp hơn Asian Cup rồi, nhưng chúng ta đã từng vô địch đấu trường ấy chưa? Tuyển Việt Nam đã phải đội bóng lớn mạnh và giàu thành tích ở khu vực ấy chưa, mà lại muốn vươn lên tầm cao khác thì phải chăng là hơi phi lý? Giống như chưa đỗ lớp 12 mà đã muốn vào đại học.
Trước hết, bóng đá Việt Nam phải phấn đấu đạt được những điều chúng ta cần có. Ở AFF Cup, tuyển Việt Nam phải cố gắng vô địch, chí ít cũng là về nhì, song các cầu thủ chưa làm được điều đó.
Chỉ những đội bóng đã rất hay, rất mạnh và giàu thành tích ở đấu trường ấy rồi mới nghĩ đến chuyện bỏ giải này để tập trung giải nọ, coi nhẹ giải thấp để tiến đến chơi ở giải đấu ở tầm cao hơn. Đặt ra mục tiêu đó, họ sẽ có sự chuẩn bị khác, dành sân chơi thấp hơn để các cầu thủ vừa phải hơn thi đấu, khác với chúng ta.
Nhiều người hỏi tôi: tại sao Olympic Việt Nam không mang đội hình vừa phải để đá với Olympic Nhật Bản trong trận đấu thủ tục ở ASIAD, khi đội bạn đã chủ động toan tính để tránh chúng ta ở vòng sau nữa? Mỗi đội có một tính toán, song Olympic Việt Nam không thể toan tính như thế. Nhỡ "buông" trận này xong trận sau không thắng thì sao?
Nếu tuyển Việt Nam không dồn sức ở AFF Cup mà tập trung cho Asian Cup, liệu chúng ta có thắng Asian Cup không? Nếu không thắng, chúng ta sẽ nói gì?
Quan điểm của tôi là phải phấn đấu ở tất cả các giải. Đó đều là cơ hội để thi đấu, cọ xát và nhìn nhận lại khả năng của mình. Khi đã đạt đến đỉnh cao ở một giải rồi, chúng ta hẵng nghĩ đến chuyện bỏ giải đó để hướng tới giải lớn hơn. Mà bóng đá Việt Nam thì chưa ở cái tầm đó" - HLV Lê Thụy Hải kết luận.
Bình luận