Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết một trong những lý do khiến ông nhận lời làm trưởng ban huấn luyện Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam, thuộc Tập đoàn Vingroup) là vì yêu quý công việc đào tạo trẻ.
HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Tôi luôn muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam dù ở cấp độ nào cũng vậy: đội tuyển quốc gia (ĐTQG) hay đội tuyển các lứa tuổi trẻ U15, U17, U19... Chúng ta đều biết để có một ĐTQG mạnh thì công tác đào tạo, huấn luyện các cầu thủ trẻ là rất quan trọng, đặc biệt ở các cơ sở như trung tâm thể thao, học viện bóng đá, CLB bóng đá...”.
- Nhưng ông không cảm thấy tiếc nuối khi phải chia tay với công việc làm HLV để làm công việc đào tạo trẻ?
Tôi đánh giá rất cao Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. Thời gian qua, PVF đã có những thành tích rất đáng ghi nhận đối với bóng đá Việt Nam. Ở cấp độ bóng đá trẻ, lò đào tạo này có hầu như các danh hiệu vô địch từ U13, U15, U17 đến U19 quốc gia. Điều đó chứng tỏ đây là một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ rất tốt trong số ít các trung tâm, học viện, CLB trên cả nước hiện nay.
Đặc biệt ở cấp độ đội tuyển U19 quốc gia mà tôi trực tiếp huấn luyện hai năm qua, số lượng các cầu thủ trẻ từ PVF được lên ĐTQG rất đông và trình làng được những cầu thủ xuất sắc như: Hà Đức Chinh, Hồ Minh Dĩ, Bùi Tiến Dụng, Mạc Đức Việt Anh, Trương Văn Thái Quý, Đỗ Thanh Thịnh.
Khi nhận được lời mời từ lãnh đạo PVF, tôi đã nhận thấy được định hướng, đầu tư bài bản, chiến lược cụ thể rõ ràng và điều đặc biệt là tạo nên những cầu thủ giỏi đóng góp cho nền bóng đá nước nhà của lò đào tạo này. Tôi thấy rất phù hợp với mong muốn của mình nên nhận lời.
- Chuyển sang môi trường mới, ông có phải hứng chịu áp lực chỉ tiêu về thành tích đối với các giải bóng đá trẻ hằng năm? Và ông sẽ giải tỏa các áp lực thành tích ấy ra sao bởi trong gần chục năm qua, đây là lò đào tạo có chất lượng tốt, gây được tiếng vang với các giải bóng đá trẻ?
Triết lý của PVF là đào tạo ra những cầu thủ giỏi toàn diện về chuyên môn, ứng xử có văn hóa trên sân bóng, chứ không chạy theo thành tích. Tôi nghĩ thách thức lớn nhất của mình đó là sự kiên nhẫn. Mọi người cũng biết rằng đào tạo cầu thủ trẻ phải cần thời gian và sự kiên nhẫn. Với sự đầu tư bài bản, chất lượng như thế này cùng với đội ngũ chuyên gia HLV giỏi thì tôi tin chắc mình sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
- Gần như chắc chắn ông sẽ được VFF tín nhiệm trao quyền dẫn dắt đội tuyển U19 Việt Nam dự vòng chung kết châu Á tại Indonesia vào năm tới. Công việc ở ĐTQG cũng như vai trò trưởng ban huấn luyện PVF đều khá nặng. Vậy ông sẽ giải quyết việc chung và việc riêng như thế nào?
Làm việc ở ĐTQG là công việc bán thời gian và tôi cũng đã quen với công việc ở một ĐTQG trẻ. Hơn thế nữa, tôi cũng chỉ là một mắt xích trong cỗ máy PVF, chính vì thế tôi nghĩ cùng với sự cộng tác, giúp đỡ từ lãnh đạo, các bộ phận liên quan, tôi sẽ đảm bảo và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Ông nghĩ gì khi nhiều người cho rằng ông thích và chuộng lối đá thực dụng mà chiến thắng hơn là lối đá đẹp?
Tôi cũng không quan tâm lắm về việc ai đó đánh giá về mình như thế nào. Hãy nhìn vào những gì tôi đã làm và những điều đó đã trả lời thay tôi rồi. Trong đội bóng, cầu thủ quyết định đến lối chơi. Nếu chúng ta không có đủ những cầu thủ tốt thì đừng mong có lối chơi đẹp. Đội U-23 VN ở SEA Games 29 vừa rồi là một minh chứng. Chúng ta muốn đá đẹp nhưng cầu thủ của chúng ta đã đủ lực chưa? Và kết quả như thế nào thì mọi người đã thấy rõ. Xin đừng đem bác thợ rèn đi thi vẽ tranh!
Bình luận