Ngày 10/6, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết đã xác định được danh tính người mẹ bỏ rơi bé trai sơ sinh dưới hố ga ở xã Thanh Mỹ.
Tại cơ quan công an, P.T.T. (SN 1989; trú tại Hà Nam) thừa nhận sau khi sinh đã vứt bỏ con dưới hố ga dưới trời nắng nóng 40 độ C.
Nói về hành vi nhẫn tâm của người mẹ trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ một thiên chức, đó là làm mẹ. Tuy vậy, không phải ai cũng có hạnh phúc được làm tròn thiên chức ấy.
Có rất nhiều người khao khát được làm mẹ, họ sẵn sàng đánh đổi gia tài thậm chí tính mạng của mình để có được một đứa trẻ. Vậy nhưng, có những phụ nữ lại nhẫn tâm giết đi những sinh linh bé nhỏ mà mình dứt ruột đẻ ra.
Theo luật sư Bình, hành vi vứt bỏ con của người mẹ trên đã vi phạm đạo đức nghiêm trọng, cần bị lên án. Do cháu bé may mắn được người dân phát hiện và cứu chữa kịp thời nên trong trường hợp này người mẹ bỏ rơi con có thể chỉ bị xử lý hành chính.
"Người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng", luật sư nhận định.
Trả lời về việc nhiều ý kiến cho rằng hành vi vứt con dưới trời nắng nóng 40 độ C của người mẹ không khác nào giết con, cần phải xử lý hình sự, luật sư Diệp Năng Bình phân tích so với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm mới là: Tên điều luật được sửa đổi từ Tội giết con mới đẻ thành Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Sửa đổi này để thống nhất như trong nội dung quy định của điều luật có hành vi là giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ. Đồng thời điều luật cũng quy định tách thành 2 khoản độc lập, trong đó hành vi giết con mới đẻ xử phạt nặng hơn hành vi vứt bỏ con mới đẻ.
Luật sư Bình phân tích, hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ có thái độ tuy không muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
"Trong trường hợp cụ thể này, người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời, đứa trẻ không chết nên người mẹ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, dù với bất kì lý do gì thì bản án về pháp luật có lẽ vẫn chưa thỏa đáng để bù đắp được tính mạng và nỗi uất ức cho những đứa trẻ tội nghiệp, nhưng bản án lương tâm sẽ mãi khiến những người từng được ông trời ưu ái ban tặng cho thiên chức làm mẹ sẽ phải ăn năn suốt đời", Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật nói.
Như VTC News đưa tin, chiều 8/6, người dân xã Thanh Mỹ (huyện Sơn Tây, Hà Nội) phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga giữa trời nắng nóng trên 40 độ C trong suốt 3 ngày.
Thời điểm được phát hiện, cháu bé trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể bị dòi bọ bám dính, bị kiệt sức do không được ăn uống.
Sau khi sơ cứu cháu bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu.
Sau đó, công an xác định người mẹ bỏ rơi cháu bé là P.T.T. (SN 1989; trú tại Hà Nam).
Tại cơ quan điều tra, T. khai ngày 6/6 đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm ngày 6/6, T. thấy vỡ nước ối và trở dạ. Người phụ nữ này đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé.
Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T. đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, người này xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm TP Hà Nội.
Hiện Công an thị xã Sơn Tây đang lập hồ sơ xử lý hành vi của P.T.T. và phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho cháu bé.
Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau:
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Hậu quả của hành vi tội phạm là đứa trẻ bị giết hoặc vứt bỏ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.
Bình luận