• Zalo

Hiệp định RCEP - Cơ hội tiếp cận thị trường mới cho Việt Nam

Tư liệuThứ Ba, 19/04/2022 18:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng sự linh hoạt và thị trường đa dạng của hiệp định RCEP sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết cách tận dụng.

“RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) tăng thêm lựa chọn cho doanh nghiệp tiếp cận một thị trường đặc biệt: Đặc biệt lớn, đa dạng về các tệp khách hàng, tiềm năng, là cơ hội cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI nhận định khi trả lời báo chí hôm 19/4, tại hội nghị tập huấn chủ đề về tác động của RCEP đối với kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết.

Cung cấp thông tin cho báo chí, bà cũng đưa ra những so sánh, bình luận về ảnh hưởng của RCEP so với các hiệp định tự do thương mại khác.

-   Bà có thể cho biết việc kí kết hiệp định mang lại những cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp?

Chúng ta đã có hiệp định thương mại với các nước ASEAN cùng với một số nước đối tác như Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, New Zealand – đều là những đối tác xuất nhập khẩu rất lớn của Việt Nam, đặc biệt trong một số ngành hàng. Nay với việc kí kết hiệp định RCEP, các doanh nghiệp có thêm một lựa chọn mới bên cạnh các hiệp định thương mại tự do khác.

Nhìn từ ưu đãi thuế quan thì RCEP chưa hẳn đã tốt hơn so với các hiệp định đã có. Tuy nhiên với RCEP, các doanh nghiệp có điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan với quy tắc xuất xứ hàng hóa hài hòa và dễ tận dụng hơn. Như vậy tùy thuộc vào mức độ, hiện trạng nguồn cung cũng như cách thức sản xuất của mình, các doanh nghiệp có thể tận dụng RCEP để hưởng ưu đãi thuế quan theo hướng có lợi nhất.

Hiệp định RCEP - Cơ hội tiếp cận thị trường mới cho Việt Nam - 1

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI. 

Ngoài ra, các nước trong RCEP là những thị trường đang ở các trình độ phát triển khác nhau và có cơ chế quản lý khác nhau trong xuất nhập khẩu và giao dịch quốc tế. Nhờ RCEP, các doanh nghiệp và cơ quan có thể yên tâm phần nào vì hiệp định góp phần đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu đối với những tiêu chí có thể ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Như vậy, trong quá trình thực hiện giao dịch với các nước có tham gia RCEP, doanh nghiệp có thể biết được quyền của mình để tận dụng được các ưu đãi tối đa và đồng thời bảo vệ được lợi ích của mình.

-   Bà có thể nói thêm về lo ngại RCEP sẽ tác động gây ra tình trạng “nhập siêu” hàng hóa ở Việt Nam?

Cùng với các hiệp định khác, với RCEP, Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường của mình cho các đối tác thông qua việc loại bỏ các hàng rào thuế quan theo lộ trình nhất định. Điều này tạo cơ hội cho hàng hóa các nước RCEP vào Việt nam.

Về lý thuyết chúng ta cần sẵn sàng cho tình huống nhập khẩu từ các nước tăng lên. Đối với Việt Nam điều này có thể tạo ra ảnh hưởng lớn khi trong bối cảnh hiện nay, các nước RCEP chiếm ước tính khoảng 70% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ toàn thế giới. Và mỗi một thay đổi dù nhỏ nhập khẩu từ các thị trường này vào Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, xem xét các cam kết của RCEP thì chúng tôi thấy rằng, dù nhập khẩu từ các nước có thể tăng lên, quan ngại nó trở thành cú sốc lớn và làm thay đổi thị trường, hay khiến thị trường “lũ lụt” hàng hóa thì chưa hẳn chính xác. Thứ nhất, trong RCEP thì các nhà đàm phán Việt Nam đã đạt được những kết quả tương đối phù hợp với trong nước, các cam kết ưu đãi thuế quan của RCEP cũng tương tự như các hiệp định đã có từ trước. Thứ hai, là lộ trình của quá trình này cũng tương đối dài, không phải trong một hai năm mà có thể lên đến 10-20 năm, điều này sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi dần dần. Thứ ba, trong một số trường hợp nhất định, việc nhập khẩu từ các nước RCEP cũng là cơ hội để chúng ta gia tăng sản xuất xuất khẩu. Không phải trong mọi trường hợp tăng nhập khẩu đều có tác động xấu cho nền kinh tế, mà cần có cái nhìn đặt trong bối cảnh cụ thể, bám sát các ngành hàng để có phản ứng về chính sách phù hợp cũng như chuẩn bị chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp.

-   CPTPP có hiệu lực trước RCEP và được nhận định có những tiêu chuẩn cao hơn, vậy từ việc áp dụng CPTPP có thể rút ra những kinh nghiệm gì cho RCEP?

RCEP cũng giống như CPTPP là một FTA thế hệ mới. Trong RCEP có nhiều cam kết, ví dụ về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ,... dựa trên chuẩn của CPTPP nhưng tổng thể thì các chuẩn trong RCEP thấp hơn hoặc ít nhất là bằng chứ không cao hơn CPTPP. Vì vậy, khi thực hiện CPTPP là điều kiện tốt để thực thi RCEP. Khi có nhiều cam kết trong CPTPP chúng ta đã thực hiện rồi thì sẽ không cần thực hiện thêm nhiều trong RCEP nữa, giúp tiết kiệm chi phí và giảm thách thức với các doanh nghiệp. Đây cũng có thể là một lợi thế của Việt Nam so với các nước chưa từng thực hiện những tiêu chuẩn này trước đây.

Hiệp định RCEP - Cơ hội tiếp cận thị trường mới cho Việt Nam - 2

Lễ ký kết RCEP diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng 11/2020.

-   Bà nhìn nhận thế nào về việc các kế hoạch tuyên truyền và hành động liên quan đến RCEP được đưa ra để thực thi sau khi hiệp định có hiệu lực?

Các cơ quan nhà nước và các hiệp hội đều nhìn nhận việc có được sự chuẩn bị đầy đủ, hiểu biết chính xác là điều kiện thực hiện hóa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Ngay khi hiệp định có hiệu lực chúng ta đã có ngay kế hoạch hành động để thực thi.

Thực ra cần nhìn ở một bức tranh rộng hơn thì kế hoạch này là một sự kết hợp và tiếp nối việc thực thi các hiệp định như CPTPP, EVFTA hay hiệp định với Vương quốc Anh. Trong đó không chỉ bao gồm các câu chuyện gắn liền với việc thực thi các cam kết của hiệp định, hay việc phổ biến, tuyên truyền, mà còn là các kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế để tạo đà hiện thực hóa các cơ hội hơn nữa.

Việc biến cơ hội thành lợi nhuận thực tế còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội lực, như câu chuyện cải thiện cơ sở hạ tầng, chuỗi cung, nâng cao năng lực chuyển đổi số,... để nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể. Tôi tin rằng hiện chúng ta đã có bước tiếp cận chuẩn xác khi không chỉ tập trung vào cam kết mà còn tạo ra môi trường nền tảng để các doanh nghiệp tận dụng được những điều kiện mà hiệp định mang lại. Nếu thực hiện được đầy đủ, thực chất, các kế hoạch này sẽ mang lại lợi ích lớn.

-   Một điều mà các doanh nghiệp thắc mắc là đứng trước nhiều hiệp định thương mại cùng một lúc thì các điều kiện được áp dụng cho sản phẩm xuất nhập khẩu như thế nào?

Hiện nay chúng ta có 15 hiệp định thương mại tự do, tất cả có hiệu lực song song với nhau. Có nghĩa là với cùng một đối tác, ví dụ như Hàn Quốc, chúng ta có nhiều hiệp định. Mỗi hiệp định này đều có cam kết riêng, như điều kiện quy tắc xuất xứ nhất định để hưởng các ưu đãi nhất định. Như vậy doanh nghiệp đứng trước ba hoặc bốn lựa chọn để được hưởng ưu tiên. Tùy thuộc vào quy trình sản xuất, chuỗi cung của sản phẩm và các điều kiện khác, doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc của hiệp định nào thì hưởng ưu đãi của hiệp định đó, nếu đáp ứng cùng lúc hai hoặc ba hiệp định thì tất nhiên họ có thể lựa chọn hiệp định có ưu đãi thuế quan tốt nhất.

Đây cũng là điều doanh nghiệp cần chủ động chú ý ngay từ khâu tiếp thị và tiếp cận các khách hàng. Họ có thể thuyết phục được khách hàng từ việc tiết kiệm được các phần thuế này.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 15 của Việt Nam, đã chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2022, hướng tới loại bỏ rào cản thương mại giữa các nước tham gia.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Phương Anh (Ghi )
Bình luận
vtcnews.vn