Ông Michael Hostetter, Phó Chủ tịch của Boeing về Quốc phòng, Không gian và An ninh tại Đức nói với tạp chí quân sự Janes rằng, một bức thư gửi chính phủ Mỹ về ý định tiến hành thương vụ mua máy bay Boeing F/A 18 Super Hornet và EA-18G Growler sẽ được công bố vào tháng 1/2022, sau khi chính phủ mới Đức đi vào hoạt động vào đầu tháng 12/2021.
Luftwaffe (Không quân Đức) muốn thay thế 90 máy bay do thám và trinh sát tác chiến điện tử (Interdiction and Strike - IDS) Panavia Tornado bằng các máy bay mới vào năm 2025. Vào năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết, Berlin có kế hoạch mua 30 chiếc F/A-18E/F Super Hornet và 15 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler do Mỹ sản xuất.
Bà Kramp-Karrenbauer cũng tiết lộ rằng, Đức sẽ mua khoảng 90 chiếc máy bay chiến đấu Eurofighter. Một nửa số máy bay Typhoon sẽ được sử dụng để thay thế các máy bay Tornado, và nửa còn lại sẽ được sử dụng để thay thế những chiếc Eurofighter cũ hơn của Không quân Đức.
Kramp-Karrenbauer thông báo với chính phủ Mỹ rằng Berlin đã cấp phép cho Luftwaffe để mua tổng cộng 45 máy bay Super Hornet và Growler. 30 máy bay phản lực đa năng F/A-18E/F và 15 máy bay phản lực EA-18G sẽ cho phép Không quân Đức đáp ứng các yêu cầu về tấn công hạt nhân trên không và tấn công điện tử (Electronic Attack - EA) trong khung thời gian cần thiết.
Growler thay thế Tornado
EA-18G Growler là máy bay tấn công điện tử mới nhất của Hải quân Mỹ, được thiết kế để thay thế các máy bay EA-6B Prowlers đã lỗi thời. Máy bay hai chỗ ngồi, hai động cơ phản lực cánh quạt này được thiết kế trên khung máy bay F-18 E/F Hornet và tích hợp các thiết bị tấn công điện tử mới nhất như các biện pháp gây nhiễu/đối phó thông tin liên lạc, hệ thống tác chiến điện tử trên không AN/ALQ-99, AN/ALQ-218…, và liên lạc vệ tinh.
Bên cạnh thiết bị tấn công điện tử, các máy bay Growler được trang bị radar mảng quét điện tử chủ động (Active Electronically Scanned Array - AESA) APG-79. Với thiết kế đã được kiểm chứng và khả năng thực hiện một loạt các nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng thủ của đối phương, chiếc máy bay này bảo toàn được tất cả các khả năng đa nhiệm vụ của F/A-18E/F.
Lô máy bay Tornado đầu tiên đã được chuyển giao cho Tây Đức vào năm 1979. Trong vài năm qua, Đức đã và đang khảo sát các phương án tiềm năng thay thế Tornado. Các quan chức Đức đưa ra mục tiêu bắt đầu mua các máy bay thay thế từ năm 2025 để đảm bảo khi những chiếc Tornado cuối cùng bị loại biên vào năm 2030, khả năng của Không quân Đức sẽ không bị giảm sút.
Việc trang bị các máy bay Growlers sẽ cung cấp một sự thay thế khả thi hơn cho các biến thể Chiến đấu/Trinh sát Điện tử (Electronic Combat/Reconnaissance – ECR) của đội máy bay Tornado. Máy bay Tornado ECR có thiết bị để phát hiện và xác định chính xác các radar của đối phương và các thiết bị phát sóng khác, và đặc biệt là được chế tạo để tiến hành chế áp các hệ thống phòng không của đối phương (Suppression of Enemy Air Defences - SEAD).
SEAD nằm trong số các sứ mệnh chính của máy bay Growler. Và những chiếc máy bay này có khả năng tác chiến điện tử tốt hơn đáng kể so với những chiếc Tornado ECR cũ hơn. Khả năng tác chiến điện tử trên không tốt hơn cũng được coi là điều kiện tiên quyết trong việc hỗ trợ nhiệm vụ hạt nhân, thay vì chỉ đơn thuần thay thế các Tornado ECR.
Growlers sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Super Hornet không tàng hình trong các nhiệm vụ tấn công hạt nhân và thông thường chống lại kẻ thù mạnh, có mạng lưới phòng không tích hợp nhiều tầng. Hơn nữa, Growlers cũng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Không quân Đức nói chung. Nó có lợi thế là được sản xuất ở Mỹ và từng phối hợp hoạt động cùng Hải quân Mỹ và Không quân Hoàng gia Australia.
Super Hornets để mang vũ khí hạt nhân?
F/A-18E/F Super Hornet là máy bay tấn công và chiếm ưu thế trên không chính của Hải quân Mỹ. Nó là một biến thể hiện đại hóa của F-18C/D, với khung máy bay lớn hơn 20% và trọng lượng tối đa 6.800 kg so với Hornet ban đầu. Super Hornet sở hữu 11 trạm vũ khí, với hai trạm gắn trên cánh bổ sung, được tích hợp nhiều loại vũ khí, bao gồm các tên lửa không đối không như AIM-9 Sidewinder, AIM-7 Sparrow và AIM-120 AMRAAM.
Super Hornet cũng có thể sử dụng đạn tấn công trực tiếp liên hợp JDAM (Joint Direct Attack Munition - JDAM), vũ khí phòng không chung (Joint Stand-off Weapon - JSOW) và tên lửa không đối đất liên hợp, tất cả đều được dẫn đường bằng hệ định vị toàn cầu GPS và quán tính. Super Hornet được trang bị radar APG-73, do Raytheon sản xuất. So với radar AN/APG-65 được trang bị trên những chiếc Hornet trước đó, radar APG-73 có bộ xử lý cập nhật với tốc độ và dung lượng bộ nhớ lớn hơn.
Sau khi có được Super Hornet, Đức có thể sẽ trang bị cho những máy bay này bom hạt nhân B61, cũng là một loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Vì sử dụng vũ khí hạt nhân là một trong những sứ mệnh cốt lõi của Panavia Tornado và là một phần của Chương trình Chia sẻ Hạt nhân NATO (NATO Nuclear Sharing Program), nên việc thay thế nhanh chóng khả năng này là rất quan trọng đối với vai trò răn đe hạt nhân của Đức. Berlin tin rằng Super Hornet hoàn toàn có thể đảm nhận và hoàn thành sứ mệnh này.
Bình luận