Theo các quan chức Nhà Trắng, Mỹ đang tìm cách thảo luận về các vấn đề “ổn định chiến lược” với Trung Quốc khi mối quan ngại gia tăng ở Washington về việc Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân nước này trong thời gian qua.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, trong cuộc họp trực tuyến hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí "xem xét việc bắt đầu tiến hành thảo luận về ổn định chiến lược".
Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân và tên lửa. Washington nhiều lần hối thúc Trung Quốc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí mới với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối, cho rằng kho vũ khí của họ còn hạn chế so với của Washington và Moskva.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia cho biết, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra giữa quan chức Chính phủ Mỹ và Trung Quốc, nhấn mạnh thảo luận về ổn định chiến lược với Bắc Kinh không ở cùng cấp độ như thảo luận giữa Mỹ và Nga trong nhiều năm qua.
Trong quá khứ, đại diện của Mỹ cũng đã bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng các cuộc đàm phán cấp thấp hơn với Trung Quốc không có kết quả. Các cuộc thảo luận về ổn định chiến lược được cho là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền Bien trong việc kiềm chế Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc đối đầu trên nhiều mặt trận, từ Đài Loan và Biển Đông đến công nghệ, gián điệp và nhân quyền.
Nỗ lực tìm kiếm đối thoại về ổn định chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc được đưa ra sau khi một báo cáo của Lầu Năm Góc công bố trong tháng này cho biết, Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn dự báo của Washington. Theo báo cáo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh tham vọng sở hữu 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley bày tỏ lo ngại trước vụ thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc gần đây, cho rằng Bắc Kinh đang phát triển một hệ thống quay quanh quỹ đạo trái đất để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tướng Mark Milley cho rằng sự kiện Trung Quốc thử tên lửa siêu thanh “rất gần” với khoảnh khắc Sputnik, khi Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 1957, đưa Moskva dẫn trước Mỹ trong cuộc đua lên vũ trụ.
Bình luận