Nhật Bản lần đầu quan tâm đến vấn đề phòng thủ tên lửa vào những năm 1990 khi Trung Quốc đầu tư mạnh vào phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15 và tầm trung DF-21 có thể bắn tới Nhật Bản.
Mặc dù khi đó quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo tương đối tốt, nhưng người Nhật vẫn cẩn thận đề phòng trường hợp quan hệ này xấu đi và tên lửa Trung Quốc sẽ chĩa vào mình.
Cùng thời điểm này, Triều Tiên bắt đầu đẩy mạnh chương trình tên lửa theo chỉ thị của chủ tịch Triều Tiên Kim Il-Sung. Năm 1998, Triều Tiên lần đầu phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-1 qua lãnh thổ Nhật Bản đến một địa điểm tại Thái Bình Dương.
Do đó vào cuối những năm 1990, Nhật Bản bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa lớp đạn đạo để bảo vệ lãnh thổ. Nhật Bản cho triển khai tên lửa đánh chặn SM-3, được thiết kế để phá hủy đầu đạn khi đang bay trong không gian trước khi rơi xuống vào mục tiêu, hay còn gọi là giai đoạn giữa.
Hệ thống thứ 2 thuộc lớp phòng thủ thấp hơn sẽ bảo vệ cho những địa điểm đặc biệt có thể trở thành mục tiêu, đảm nhận nhiệm vụ này là hệ thống phòng không Patriot PAC-3 có khả năng đánh chặn tên lửa trong giai đoạn đáp xuống mục tiêu. Nếu đầu đạn tên lửa có thể vượt qua được lớp phòng thủ trên cao, thì hệ thống Patriot PAC-3 sẽ chặn đầu đạn này.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đóng 4 khu trục tên lửa dẫn đường lớp Kongo, bao gồm khu trục Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Các khu trục này có khả năng tương đương với khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ.
Những khu trục này được trang bị Hệ thống chiến đấu Aegis phiên bản 3.6 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo, hệ thống này yêu cầu radar SPY-1D và ống phóng thẳng đứng Mk.41 chứa tên lửa đánh chặn SM-3. Những trang bị này giúp 4 khu trục trên trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Video: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản huấn luyện triển khai tổ hợp PAC-3
Lúc đầu, Nhật Bản dự định đóng 4 khu trục hạm với tên lửa đánh chặn SM-3 Block 1B, điều này cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể luôn duy trì hoạt động của 2 khu trục để bảo vệ toàn bộ đất nước. Khu trục thứ 3 sẽ bảo vệ khu vực Okinawa và quần đảo Ryukyu.
Về sau, Nhật Bản hợp tác phát triển tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A với tầm bắn tối đa gần 2.100 km và loại tên lửa này cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ mà không cần duy trì sự hiện diện quá nhiều khu trục lớp Kongo trên biển.
Song song với đó, Nhật Bản tiếp tục bổ sung tên lửa đất-đối-không Patriot cho kho vũ khí của mình, Tokyo mua tổ hợp Patriot PAC-3 đầu tiên vào đầu những năm 2000. Hệ thống Patriot PAC-3 khác hai phiên bản PAC-1 và PAC-2 ở chỗ hệ thống PAC-3 được tối ưu cho việc đánh chặn đầu đạn tên lửa với tốc độ cao.
Ngoài ra, PAC-3 là loại tên lửa mới có kích thước gọn hơn so với các phiên bản khác, một bệ phóng Patriot có thể chứa được đến 16 tên lửa PAC-3 thay vì chỉ 4 tên lửa PAC-1 hoặc PAC-2. Tuy nhiên tên lửa PAC-3 chỉ có tầm bắn khoảng 19 km và chỉ đủ khả năng bảo vệ được mục tiêu cụ thể trong phạm vi hẹp.
Năm 2013, Nhật Bản triển khai tên lửa Patriot PAC-3 tại 13 địa điểm trong nước, chủ yếu là khu vực Kanto và Kansai, cùng khu vực phía nam đảo Kyushu. Bộ quốc phòng Nhật Bản cũng triển khai hệ thống PAC-3 tại tòa nhà của cơ quan này ở Shinjuku, Tokyo.
Nhiều người cho rằng hệ thống này chỉ bảo vệ tòa nhà của Bộ quốc phòng Nhật Bản, nhưng trên thực tế nó bảo vệ cho toàn bộ khu vực đô thị Tokyo.
Tên lửa PAC-3 cũng bảo vệ nhiều cơ sở quan trọng như căn cứ không quân Misawa phía bắc Nhật Bản và một số khu vực có thể bị tấn công khác. Tháng 9/2017, Nhật Bản triển khai thêm PAC-3 tại một số khu vực phía nam Honshu, bao gồm Hiroshima, Kochi, Shimane và Ehime. Nhật Bản chỉ có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa 2 lớp tại một số khu vực cụ thể.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản còn cần hệ thống các đài radar mặt đất, trải dài từ phía bắc Hokkaido cho đến phía nam Okinawa. Hệ thống này gồm 7 radar cũ FPS-3UG đã được nâng cấp và 4 radar FPS-5 thực hiện giám sát vùng trời liên tục.
Khi có một quả tên lửa được phóng lên không trung, các đài radar này có thể phát hiện, nhận dạng và chuyển dữ liệu theo dõi đến tất cả các khu trục hạm với tên lửa đánh chặn trên biển và các tổ hợp PAC-3 trên mặt đất. Ngoài ra, các radar SPY-1D trên khu trục lớp Kongo cũng tham gia cung cấp dữ liệu giám sát.
Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của mình, 4 khu trục hạm ban đầu với hệ thống Aegis 3.6 được nâng cấp và Nhật Bản bổ sung thêm 2 khu trục hạm lớp Atago.
Tổng cộng hiện tại Nhật Bản sở hữu 6 khu trục hạm với hệ thống Aegis phiên bản 5.0 cùng tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A mới nhất. Ngoài ra Nhật Bản còn đóng thêm 2 khu trục hạm khác với hệ thống tên lửa đánh chặn.
Những căng thẳng tại khu vực trong thời gian vừa qua có thể khiến Nhật Bản phải chuyển các khu trục hạm làm nhiệm vụ đánh chặn tên lửa về chức năng truyền thống của chúng.
Do đó, Nhật Bản dự kiến sẽ chi tiền để triển khai hệ thống Aegis Ashore, phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis với radar SPY-1D và ống phóng Mk. 41, chỉ cần 2 tổ hợp này Nhật Bản có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ.
Nhật Bản cũng dự kiến sẽ mua phiên bản PAC-3 mới nhất, PAC-3 MSE để đảm bảo an ninh cho Thế vận hội 2020 tại Tokyo. Ngoài ra, Nhật Bản đang cân nhắc việc mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD cùng với radar AN/TPY-2 để bổ sung khả năng phòng thủ tên lửa diện rộng.
Bình luận