Những chi tiết mới từ thiết bị ghi âm dữ liệu bay – hộp đen đầu tiên của máy bay được hé lộ, sau khi chính phủ Indonesia tuyên bố đang khởi động một cuộc điều tra kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động của hãng hàng không giá rẻ Lion Air.
Một tuần sau khi tai nạn thảm khốc xảy ra, vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân gây ra sự cố. Lion Air cho biết chiếc Boeing 737-Max 8 gặp vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay trước chuyến bay tai nạn nhưng lỗi này đã được sửa chữa.
Dù vậy, Ủy ban An toàn vận tải quốc gia Indonesia (NTSC) ngày 5/11 cho biết dữ liệu hộp đen thể hiện máy bay này gặp vấn đề hiển thị tốc độ trên không từ ít nhất 2 chuyến bay trước đó.
“Có tổng cộng 2 chuyến bay gặp phải vấn đề với chỉ số tốc độ trên không” – người đứng đầu NTSC, ông Soerjanto Tjahjono trả lời phóng viên. “Khi có vấn đề xảy ra, phi công sẽ ghi chú lại và thợ máy sẽ sửa chữa. Sau đó máy bay sẽ được phê duyệt là được phép khai thác.”
Ủy ban cho biết họ sẽ điều tra nguyên nhân gây ra vấn đề chỉ số tốc độ và liệu quá trình sửa chữa – bao gồm việc thay thế các bộ phận bị lỗi - có được thực hiện đầy đủ hay không
Hộp đen đầu tiên (thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay) của chiếc Boeing 737 MAX 8 của Lion Air gặp nạn đầu tuần trước được tìm thấy hôm 1/11 trong tình trạng hư hỏng nặng. Tuy nhiên, giới chức Indonesia mới đây xác nhận đã tải xuống thành công dữ liệu của 69 giờ bay trong tổng số 19 chuyến, bao gồm cả chuyến bay cuối cùng.
Mỗi máy bay đều có 2 hộp đen, bao gồm máy ghi dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái giúp lưu trữ thông tin về thiết bị điện tử, hệ thống và cuộc trò chuyện của các phi công.
Hộp đen thứ hai, thiết bị ghi âm buồng lái vẫn chưa được tìm thấy. Các nhà phân tích cho rằng việc tìm ra thiết bị này là điều bắt buộc nếu các nhà điều tra muốn xác định xem tai nạn mới đây có ảnh hưởng tới các hãng hàng không khác đang vận hành hàng ngàn chuyến bay Boeing 737 trên toàn thế giới mỗi ngày hay không.
Chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air rơi không lâu sau khi cất cánh ngày 29/10 chở theo 189 người gồm 181 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Dữ liệu truy dấu chuyến bay cho thấy trước khi gặp nạn, máy bay đã thay đổi độ cao đột ngột và liên tục.
Khoảng 3 phút sau khi cất cánh, cơ trưởng đã yêu cầu quay trở lại sân bay Jakarta. Yêu cầu được kiểm soát viên chấp thuận, nhưng chiếc máy bay đã không trở lại mà rơi xuống biển 10 phút sau đó.
Cho tới thời điểm hiện tại, ít nhất 65 túi thi thể đã được thu thập kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động tìm kiếm.
Video: Máy bay Lion Air rơi xuống biển - chiếc Boeing đâm phải "bom mưa"?
Bình luận