Trong một thử nghiệm mới đây do các chuyên gia quân sự của Russia Beyond thực hiện, họ đã trực tiếp kiểm tra khả năng bảo vệ của mẫu áo giáp chống đạn 6B45 trên bộ quân trang Ratnik đang được các binh sĩ Nga sử dụng.
Theo Russia Beyond, mục tiêu của cuộc thử nghiệm này là nhằm đánh giá xem tấm giáp chống đạn Granit trên 6B45 có thực sự như quân đội Nga giới thiệu, bởi không phải mẫu áo giáp nào cũng có thể chống được 10 phát đạn xuyên giáp từ súng bắn tỉa.
Video kiểm tra khả năng chống đạn của áo giáp đang được quân đội Nga sử dụng
Về cơ bản tấm giáp chống đạn Granit được tạo thành bởi vật liệu gốm và composite ở bên trong, còn bên ngoài được phủ bằng một lớp cao su kết hợp với aramid. Các lớp phủ bên ngoài được thiết kế để vô hiệu hóa động năng của viên đạn khi tiếp xúc với tấm giáp trong khi lớp bên trong sẽ giữ lại các mảnh đạn.
Theo nhà sản xuất, tấm giáp chống đạn Granit có khả năng chống đạn cấp 6 (theo tiêu chuẩn GOST R), có thể chống lại hầu hết đạn từ các loại súng bộ binh, kể cả đạn xuyên giáp của súng bắn tỉa. Mỗi tấm giáp loại này nặng khoảng 7,5kg.
Để tiến hành thử nghiệm các chuyên gia Russia Beyond đã mua một tấm Granit từ một cửa hành chuyên bán quân trang ở Moskva với giá chỉ 100 USD, họ tiến hành kiểm tra nó với một số mẫu súng bộ binh đang được quân đội các nước NATO sử dụng.
Mục tiêu chính của thử nghiệm là đánh giá khả năng chống đạn của Granit nhằm chứng minh nó có thể chịu được bao nhiêu phát bắn trực tiếp.
Sau nhiều phát bắn với nhiều loại súng khác nhau từ súng ngắn, trường tấn công cho đến súng bắn tỉa, tấm giáp Granit vẫn tỏ ra đáng tin cậy kể cả khi các phát bắn đều nhắm đến cùng một vị trí. Điều này sẽ cho thấy rõ độ bền của lớp phủ aramid bên ngoài và lớp giáp gốm bên trong.
Tuy nhiên, lớp giáp gốm bên trong tấm Granit có dấu hiệu vỡ ra và không giữ được đạn khi các chuyên gia Russia Beyond sử dụng súng trường tấn công FN SCAR của Bỉ (sử dụng 7,8mm) bắn liên tiếp vào một vị trí, lớp giáp bắt đầu vỡ và gần như phá hỏng tấm giáp. Tuy vậy nó vẫn chưa bị xuyên thủng dù làm lớp phủ aramid phía sau lồi lên khá lớn. Trong điều kiện thực tế, với tác động này, người mặc giáp có thể bị tổn thương nặng khi hứng chịu “cơn mưa” đạn như, điều may mắn là họ vẫn sống sót.
Kết thúc thử nghiệm, tấm giáp Granit có vẻ đã vượt qua được bài kiểm tra khi có thể chống lại nhiều loại đạn và súng khác nhau dù bị bắn phá không thương tiếc. Tuy nhiên đây chỉ là thử nghiệm với các mẫu súng bộ binh thông thường.
Đánh giá của chuyên gia
Khi được hỏi về bài kiểm tra trên, Andrey Piskunov một giảng viên đào tạo lực lượng đặc nhiệm Nga cho biết, áo giáp chống đạn 6B45 và tấm giáp Granit hoàn toàn có thể chống được những viên đạn xuyên giáp từ súng bắn tỉa, đây là lý do chúng được trang bị cho các binh sĩ Nga. Nhưng Piskunov cho rằng đó chưa phải là tất cả.
Theo Piskunov, với 10 viên đạn xuyên giáp, dù chúng không thể xuyên thủng tấm giáp Granit nhưng vẫn khiến người mặc bị tổn thương nặng và hoàn toàn có thể dẫn tới nguy cơ tử vong sau đó.
“Chúng tôi không sử dụng Granit cho các thành viên lực lượng đặc nhiệm, thay vào đó là các tấm giáp nhập khẩu có giá khoảng 500 USD mỗi chiếc. Tính năng của loại giáp này cũng tương tự như Granit nhưng nhẹ hơn và tốt hơn”, Piskunov cho biết.
Cũng theo Piskunov, việc thành viên lực lượng đặc nhiệm Nga sử dụng các loại giáp nhẹ hơn của nước ngoài xuất phát từ việc họ cần tới khả năng cơ động trong tác chiến, tấm giáp Granit quá nặng và nó chỉ phù hợp với lực lượng bộ binh thông thường.
“Bạn nên thử đi bộ, chạy và bò cả ngày khi mặc bộ giáp nặng tới chục kg, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt”, Piskunov nói thêm.
Tuy nhiên, ông Piskunov nhấn mạnh rằng các loại giáp như 6B45 là cần thiết cho quân đội Nga bởi chúng có giá thành rẻ, dễ sản xuất và đáng tin cậy, bởi các binh sĩ không dễ gì có thể thay thế các tấm giáp bị hỏng trên chiến trường.
Bình luận