Trong một tai nạn, chị Phạm Kim Điệp (Hà Nội) mất đi chân bên phải, chị phải thay thế nó bằng cái chân giả. Để có thể bước đi, chị cần thêm sự tiếp sức của cây nạng.
Video: Chị Điệp bị những kẻ "cướp" vỉa hè đẩy xuống đường giữa xe cộ vun vút
Phố Quỳnh Mai, nơi chị sinh sống sôi động với đủ mọi loại dịch vụ. Và cũng như bao con phố ở Thủ đô, vỉa hè của nó bị các hộ kinh doanh lấn chiếm. Lòng đường thì bị biến thành nơi đỗ xe, nơi họp chợ của những người bán hàng rong.
Vậy là, cứ mỗi tối ra khỏi nhà để tập phục hồi chức năng cho đôi chân, chị Điệp lại bị đẩy ra giữa lòng đường, bước đi xiêu vẹo giữa dòng xe cộ lao vun vút có thể cướp đi sinh mạng của chị bất cứ lúc nào.
Tai nạn đã cướp đi của chị đôi chân lành lặn, người ta còn cướp đi của chị quyền được đi lại an toàn trên vỉa hè - cái quyền hiển nhiên thuộc về chị và những người đi bộ.
Khi được hỏi "chị nghĩ có thể đòi lại vỉa hè được không?", chị đưa mắt nhìn 2 bên vỉa hè rồi lắc đầu: “Không đòi được đâu, bao nhiêu năm nay nó vẫn thế rồi”.
Giọng chị thều thào nhỏ nhẹ vì không muốn để những người đang cướp vỉa hè nghe thấy. Bởi họ chẳng phải ai xa lạ, đó là bác hàng xóm, là cô bán rau hằng ngày vẫn chào chị mỗi khi đi chợ, là bà lão bán hoa bưởi rong thơm ngát mỗi tháng 2, tháng 3 chị vẫn hay mua... Có khi trong số đó, còn có cả người thân của chị.
Ai cũng chướng tai gai mắt với cái vỉa hè, lòng đường bị cướp, nhưng vì quá lâu rồi chúng ta đã tự thỏa hiệp với nó chỉ vì cái thói quen sinh hoạt gói gọn trong một chữ: Tiện.
Chúng ta đã quá quen với việc ra ngõ là có thể mua xôi, bánh mì, rau thịt, hay đủ thứ hàng hóa cho cuộc sống hằng ngày. Tất cả được đáp ứng nhanh chóng ngay tại cái vỉa hè nhếch nhác nhưng tiện lợi.
Chúng ta chấp nhận không gian công cộng thuộc về người đi bộ như vỉa hè bị chiếm dụng kinh doanh, và chắc hẳn mỗi người trong chúng ta cũng từng hoặc thường xuyên ngồi trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè...
Nói như nhà báo Đức Hoàng: “Kinh doanh tự phát trên những vỉa hè đã thành một thứ văn hóa của Việt Nam. Phương thức ấy, cái sự lê la buôn bán nơi vỉa hè ấy, bất chấp những cấm cản hành chính, đã bền chắc như một truyền thống, thậm chí người ta tin rằng là bản sắc của người Việt”.
Nhưng hãy nhìn chị Điệp, nhìn cái cách chị bị đẩy xuống đường trên đôi chân xiêu vẹo mới thấy sự thỏa hiệp của ta với vỉa hè nó tàn nhẫn chừng nào.
Không thể phủ nhận vỉa hè ở Hà Nội, TP.HCM hay các thành phố lớn mang lại cho biết bao con người nguồn sống. Nhưng vỉa hè không có chức năng làm từ thiện. Không thể nhân danh mưu sinh mà cướp đi quyền lợi chính đáng của những người đi bộ, cướp đi giá trị mặc định của vỉa hè. Và càng không thể cứ nhân danh mưu sinh là có thể đạp lên pháp luật xã hội.
Chị Điệp chỉ là một trong vô số các nạn nhân của vấn nạn cướp vỉa hè. Cuộc đời đã lấy đi của chị quá nhiều, đừng cướp nốt cái vỉa hè của chị. Hãy trả vỉa hè lại cho chị Điệp và cho những người đi bộ.
Bình luận