• Zalo

Hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu

Khám pháThứ Sáu, 22/04/2022 07:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh đến các hệ sinh thái trên trái đất, cuộc sống hàng ngày của con người, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

Biến đổi khí hậu và lượng cacbon dioxite ngày càng tăng cao đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Theo ước tính, khoảng 50% các loài động thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa. Nguyên nhân do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, nạn phá rừng và nước biển ấm lên.

Không chỉ với các sinh vật, cuộc sống của con người cũng đang bị đe dọa. 

Dự báo mới đây của tổ chức Climate Central (Mỹ) cho thấy, nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới, bao gồm cả TP.HCM có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây do biến đổi khí hậu khiến băng ở hai cực tan với tốc độ báo động.

Nhiệt độ ngày càng cao trên trái đất khiến mực nước biển đang dần dâng lên. Nhiệt độ tăng làm các sông băng, biển băng hay lục địa băng trên trái đất tan chảy và làm tăng lượng nước đổ vào các biển và đại dương.

Biến đổi khí hậu kéo theo hàng loạt thiên tai như bão lũ, hạn hán, dịch bệnh. 

Năm 2021, thế giới phải chứng kiến với hàng loạt các thảm họa như cháy rừng ở Hy Lạp, Australia, nắng nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ, hạn hán ở Pakistan, Châu Phi, đợt lũ lụt lịch sử ở châu Âu và Trung Quốc. 

Hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu - 1

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hệ sinh thái trên trái đất, cuộc sống hàng ngày của con người. (Ảnh: Shutterstock)

Theo ước tính của Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re, các thảm họa tự nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại khoảng 250 tỷ USD trong 2021, tăng 24% so với năm trước.

Ngoài thảm họa thiên nhiên, các thảm họa nhân tạo gây thiệt hại kinh tế 9 tỷ USD, giảm 38% so với năm trước và 7 tỷ USD tổn thất được bảo hiểm, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các con số này làm nổi bật sự cấp thiết của các hành động cụ thể đối với vấn đề khí hậu.

Theo đó, 7 hành động khẩn cấp về khí hậu thế giới cần thực hiện vào năm 2022. Đó là cắt giảm phát thải khí nhà kính, huy động tài chính khí hậu, tạo quỹ khắc phục tổn thất và thiệt hại, kết thúc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, ngừng phê duyệt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, cắt giảm khí metan, đầu tư vào bảo tồn và phục hồi. 

Sau 2021 được kỳ vọng sẽ trở thành năm đột phá nhưng lại mang về thất vọng, các nhà hoạt động môi trường hy vọng các nước trong năm nay sẽ có các hành động thiết thực hơn để chung tay giải bài toán biến đổi khí hậu. 

Diệu Hoa(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn