Kỳ 1: Vượt rừng tìm người rừng
Lão Vàng Và Chờ (85 tuổi) và người vợ là bà Và My Gia (71 tuổi) người dân tộc La Hủ, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè – Lai Châu đã gắn bó với vùng biên ải suốt nhiều năm. Họ sống cô độc dưới chân đỉnh Pu Si Lung từ nhiều năm nay.
Ông bà Chờ đều là người La Hủ sống ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ông bà có con cháu đề huề, nhưng họ chỉ yêu rừng và thích ở rừng. Nơi họ ở nằm trên đường lên cột mốc 42 ở độ cao 2800m so với mặt nước biển.
Người dân ở xã Pa Vệ Sử vẫn truyền nhau câu chuyện về đôi vợ chồng người rừng Vàng Và Chờ. Như bị thần núi nơi đây xui khiến họ từ bỏ bản, nhà cửa để vào rừng sâu sinh sống.
Đoàn chúng tôi lên đồn biên phòng Pa Vệ Sử đề đạt nguyện vọng đi biên giới, các chiến sĩ nơi đây cũng xác định thông tin có cặp vợ chồng ở rừng suốt mấy chục năm qua. Vài chiến sĩ nhìn bộ dạng thư sinh của chúng tôi lại tỏ ra lo ngại. Bởi lẽ muốn đến được nơi ở của hai con người đặc biệt này phải mất 2 ngày đường băng suối, vượt dốc mới đến nơi.
Trèo đèo, lội suối
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi phải chuẩn bị đủ lương thực ăn cho 4 ngày cả đi lẫn về với đủ tư trang cá nhân nữa lên đường tìm người rừng.
Từ bản Sín Chải A men theo lối mòn chuột chạy qua rừng rậm mà đi. Quãng đường dài gần 20km khiến ai cũng mệt nhoài. Anh Lý Phu Cà, người địa phương - chuyên dẫn các đoàn “phượt” đi chinh phục đỉnh núi Pu Si Lung (cao 3083m) chia sẻ, hai cụ này đã già lắm rồi. Họ ở đó như bị trời đày vậy, nếu không có những chiến sĩ biên phòng đi qua đó, có khi cả năm họ chẳng gặp người nào.
Con dốc lên chỗ người rừng mỗi lúc một cao, ai cũng phải cố gắng lết từng bước. Dốc lên, dốc xuống cứ nối liền nhau như thách thức những ai muốn đến thăm lão Chờ.
Anh Lý Phu Cà là người La Hủ nên anh đi rất khỏe, ấy vậy mà khi đến nơi cắm trại, nghỉ qua đêm anh thở dài thườn thượt, cái lão người rừng này đi như bay. Chúng tôi không thể đuổi được. Lão Chờ còn có biệt tài, đi núi xuyên đêm không cần nghỉ. Có lẽ trời đã phú cho lão Chờ khả năng đó để sống ở nơi mà ít người đặt chân đến. Câu chuyện về lão người rừng như thôi thúc chúng tôi tiến lên.
Đến trưa ngày thứ hai, khi chúng tôi vượt qua con dốc “3 tiếng” là chạm đỉnh núi – nơi sinh sống của người rừng.
Đứng từ phía xa nhìn lại, ngôi nhà của lão Chờ nhỏ như túp lều. Xung quanh nhà được bao vây bởi bộ khung tre, gỗ buộc chắc chắn. Mái nhà cũng được chằng, chống, buộc rất chắc chắn như người dân ven biển chống bão cấp 12.
Quá lạ trước căn nhà kì dị đó, tôi có hỏi Lý Phu Cà, anh này cũng không coi việc đó là thường: Chằng chống kĩ thế, vậy mà mùa gió (tháng 3 đến tháng 6), mọi thứ trên đỉnh núi này bị cuốn bay hết. Căn nhà của lão Chờ không là ngoại lệ.
“Chiển ma a na pi”
Cả đoàn chúng tôi sau 2 ngày vượt rừng đều thấm mệt, đứng giữa nơi đất trời bao la, ai cũng hào hứng khi nghe chiến sĩ Lịch kể câu chuyện về vợ chồng người rừng sống chết với nơi biên ải này. Họ đã cùng nhau vào nơi này dựng lán, dựng lều để sống. Từ khi vợ chồng lão Chờ vào đây ở, nơi này mới gọi là dốc Trại Bò, Lán Bò hoặc lán Người Rừng. Sống giữa nơi đèo mây, hút gió này mà vợ chồng lão vẫn cứ vui như Tết.
Nghe có tiếng người lạ, lão Chờ vội ra mở cửa đứng trên bộ khung bảo vệ nhà đón khách. Năm nay đã ngoài 85 tuổi mà nom lão đi băng băng. Dường như tuổi tác không làm ảnh hưởng gì đến tác phong của lão. Lão mặc bộ quần áo cũ mèm. Đầu đội chiếc mũ che kín hai tai. Đôi tay chai sần, đen bóng như màu đồng hun.
Lão Chờ không nói được tiếng phổ thông, tôi chỉ nghe thấy âm thanh trong trẻo mà lão người rừng luôn miệng nói: “Chiền ma a pi” – chúc sức khỏe là câu đầu tiên mà chúng tôi được nghe về lão người rừng này. Mặt mày lão tràn ngập niềm vui sướng khi đón chúng tôi vào nhà.
Thứ âm thanh của sự sống, của nỗi reo ca, hân hoan của một con người được gặp đồng loại giữa chốn hoang liêu. Từng người một được lão nắm chặt bàn tay như đón những đứa con xa nhà lâu ngày mới về. Riêng những chàng trai La Hủ dẫn chúng tôi đi đường đều đã biết mặt lão Chờ. Trên khuôn mặt ai cũng hân hoan, vui sướng khi gặp lão Chờ.
Riêng lão Chờ gặp một chiến sĩ biên phòng dẫn đường cho đoàn, lão có ấn tượng riêng. Bởi lẽ một năm lão chỉ có vinh dự gặp được 1 đến 2 đoàn công tác đi ngang qua đây và chủ yếu là biên phòng. Dường như với lão Chờ được gặp nhiều người như thế này, lão đã chờ đợi từ lâu. Lão mời mọi người vào nhà, nói là nhà cho oách, chứ nó chỉ là túp lều nhỏ hiện lên giữa bốn bề thông thốc gió lùa.
Ngôi nhà hay nói chính xác hơn là một túp lều của lão nằm bên sườn của đỉnh núi Pu Si Lung. Trong nhà đồ vật rất giản tiện. Cái bếp lửa chụm lại 3 ông đầu rau bằng đá. 4 khúc gỗ to bằng cột nhà đang cháy dở. Mấy cái xoong vứt chỏng chơ. Gian lều luôn nhuộm màu khói bếp.
Từ lúc dẫn khách vào nhà lão vui lắm. “Tôi ở đây với vợ. Vợ tôi đang vào rừng đuổi trâu. Tôi ở nhà nấu cơm. Ở đơn giản, nên cái ăn của vợ chồng tôi cũng giản tiện lắm. Nhà có muối và rau rừng cộng với cơm trắng. Bao năm qua, vợ chồng tôi vẫn chỉ ăn có vậy”, lão Chờ chia sẻ.
10 lần dựng nhà đều bị gió thổi bay
Đứng từ xa nhìn lại, túp lều hạnh phúc của vợ chồng lão người rừng tựa như một pháo đài. Nó lằm trên đỉnh dốc Trại Bò. Bốn bề mây núi bồng bềnh đẹp tựa như cảnh nơi thần tiên. Bao quanh ngôi nhà là lớp lớp cây cứng được kết nối chặt với nhau như một hàng rào vững chãi. Mái nhà lợp cỏ gianh cũng được chằng chống hết sức công phu.
Trước sự hiếu kỳ của mấy vị khách lạ, anh Lịch giải thích, ngày đầu vợ chồng lão Chờ đến đây chặt cây, dựng nhà, ai cũng bảo họ là người hâm. Bởi lẽ nơi biên cương này vào mùa gió, cây cổ thụ còn bị bật ngốc nữa là dựng nhà.
Hơn nữa, nơi họ chọn lại là đỉnh dốc, tháng 3 về gió vù vù, gào thét suốt đêm ngày.
Bà con trong bản có kể lại, năm đầu tiên lão Chờ dựng nhà phải làm đi làm lại 10 lần mới xong.
Lần thứ nhất lão chặt cây rừng, đóng 4 cọc to chắc chắn vào lòng núi. Buồn thay lão hoàn thành nhà lúc sáng thì ban đêm, gió lốc thổi qua, mái nhà bị thổi tung. Đêm đầu tiên sống nơi biên cương, vợ chồng lão ngồi đốt lửa thâu đêm ngắm trăng sao.
Không nản chí, hôm sau vợ chồng lão lại cặm cụi dựng lại túp lều tranh của mình. Dường như thần núi, thần rừng nơi này không chấp nhận một kẻ ngoại đạo đã dám bỏ bản làng vào nơi này ở, lão cứ dựng xong nhà gió lại thổi bay mất.
Qua câu chuyện của người phiên dịch, lão Chờ đã xác nhận việc dựng nhà nơi triền dốc quả là vô cùng gian nan.
Lão Chờ còn kể, có đêm trời bỗng nổi sấm sét ầm ầm làm rung chuyển cả núi rừng. Vợ chồng lão nghe thấy tiếng sét đánh rung trời lở đất phía đỉnh Pu Si Lung. Cả bầu trời mây mù kéo đến bao trùm lấy núi non. Gió từ đâu thổi về như ngày tận thế kéo đến. Vợ chồng lão chỉ kịp ôm lấy cây cột chính của nhà mà hứng chịu cơn thịnh lộ của trời đất. Mưa như trút nước, kêu gào như thác đổ xuống mặt đất.
Vợ chồng lão tưởng như trận cuồng phong đó sẽ cuốn bay biến tất cả những gì mà vợ chồng lão đã mất nhiều ngày gây dựng. Hai người ôm chặt lấy cây cột cái, mặt mày xám xịt, chịu dầm mưa cả đêm.
Suốt đêm vật lộn giữ mạng sống, cơn cuồng nộ của trời đất rồi cũng qua đi. Mặt trời lấp ló trên đỉnh Pu Si Lung, lão Chờ mới biết là vợ chồng mình còn cao số.
Sau lần cuồng phong dữ dội đó, lão đã thay đổi suy nghĩ là không thể làm nhà tạm ở cái nơi đèo mây hút gió này. Ngay ngày hôm sau, lão dẫn vợ vào rừng lựa chọn những cây gỗ tốt nhất và cứng nhất vác về dựng nhà.
Cây to làm cột chính, cây nhỏ làm xà nhà. Sau cả tuần làm việc cật lực, lão Chờ cũng đã dựng được ngôi nhà to hơn, rộng hơn trước đây. Nói là to chứ tổng cộng nơi ở của lão rộng chừng chục mét vuông. Mỗi cây cột đều được níu lại bằng những cây cọc nhỏ khác chằng dây giữ lại.
Mái nhà cũng được lão ken dầy những cây gỗ nhỏ tựa như một bộ khung chắc chắn được gò lại với những cây cọc đóng sâu vào đất. Nhìn từ xa ngôi nhà của lão như một pháo đài hiện lên giữa bốn bề mây núi.
Lão nhầm đi tính lại, vợ chồng lão đã mất cả năm trời mới dựng được mái nhà vững chãi. Mỗi khi trời nổi cơn thịnh nộ, vợ chồng lão mới có chỗ chui ra, chui vào. Từ đó, lão Chờ cũng yên tâm mà định cư ở nơi này.
Còn tiếp...
Hòa Phong - Linh Nhi
Bình luận