Clip: CSGT ở Quảng Ninh khống chế, đánh người vi phạm xôn xao dư luận
Vài ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh một nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) khống chế, đánh người vi phạm. Trong clip, 2 cán bộ CSGT ghì một người đàn ông nằm dưới đường; một người khác bị CSGT cùng người mặc áo đen đeo khẩu trang khống chế. Người này sau khi bị quật xuống đường liền bị CSGT đội mũ bảo hiểm màu hồng đấm vào mặt.
Người đàn ông bị khống chế không ngừng gào thét: "Em có làm gì đâu?". Còn những người chứng kiến thì liên tục kêu: "Không được làm thế", "Muốn làm gì thì làm, không được đánh người ta thế".
Ngay sau khi bị phát tán, clip trên gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng. Nhiều người chưa biết thực hư vội vã thể hiện sự bức xúc trước hành động của CSGT.
Trước tiên cần nói rằng, hành động của người cảnh sát là thiếu chuẩn mực. Chúng ta không ủng hộ cách xử lý công việc thiếu sự điềm tĩnh ấy. Người này đã bị tạm đình chỉ công tác và chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng đứng về phe nước mắt. Khi bị đè xuống đất, người thanh niên liên tục kêu lên: "Em có làm gì đâu" với thái độ rất cam chịu và ra vẻ người bị hại. Những người chỉ xem clip hoặc chứng kiến riêng khoảnh khắc đó có thể thấy xót thương anh ta. Thế nhưng thực tế người này có "không làm gì đâu" như vừa kêu không?
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, trong lúc truy tìm một ô tô tải vận chuyển than trái phép, Công an thị xã Quảng Yên phát hiện chiếc xe BKS 14C-170.18 có cơi nới kích thước, thành thùng, không phủ bạt, đang chở hàng hóa nghi là than. Tổ công tác lái xe vượt lên trước xe tải, ra tín hiệu dừng để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành và tiếp tục chạy.
Anh Hoàng Văn Sơn - Tổ trưởng tổ công tác của Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an thị xã Quảng Yên liền trưng dụng xe máy của người dân đỗ bên đường để truy đuổi. Chiếc xe tải chẳng những không dừng lại mà còn lao vào phía anh Sơn và chiếc mô tô đang chặn đầu. Anh Sơn tránh được nhưng gậy chỉ huy giao thông bị gãy, xe mô tô hư hỏng.
Chỉ khi 2 ô tô của tổ công tác áp sát, chặn trước và chặn sau, chiếc xe tải kia mới chịu dừng lại. Tuy nhiên, tài xế vẫn cố thủ trong cabin, nhất quyết không xuống làm việc. Sau đó, một người đàn ông tự nhận là bố anh ta đi đến, kéo anh Sơn đang bám ở cửa xe bên trái xuống đường, và tổ công tác phải khống chế ông này. Anh Sơn cũng khống chế, quật ngã lái xe.
Rõ ràng, cả hai người đàn ông này đều chống đối cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Việc CSGT có hành vi thiếu chuẩn mực không có nghĩa là họ đúng và đáng được thương xót, cảm thông. Trong xã hội thượng tôn pháp luật, mọi công dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Khi nhận được hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, việc đầu tiên của tài xế là phải chấp hành. Việc anh ta có vi phạm gì hay không, kết quả kiểm tra sẽ thể hiện rõ.
Việc anh ta tìm cách bỏ chạy và cố tình đâm vào cảnh sát giao thông cho thấy sự vô thiên vô pháp, coi thường phép nước và cả mạng người của tài xế này. Nếu anh Sơn không tránh kịp, hậu quả thảm khốc xảy ra, hoặc tài xế trong lúc bỏ chạy vì quá nóng lòng trốn thoát mà gây tai nạn cho khách đi đường, liệu những người bức xúc với cảnh sát qua cái clip không phản ánh không đầy đủ sự thật kể trên có còn "gào thét" như hiện nay?
Chỉ trong thời gian ngắn, người lái xe tải và kẻ tự nhận là bố anh ta liên tục chống đối người thi hành công vụ với mức độ càng lúc càng mạnh; nếu lúc đó cảnh sát không quyết liệt ra tay, liệu có khống chế được họ? Nếu lực lượng cảnh sát e sợ khi thấy có người quay clip, ngại sự phản đối của một số những người chưa hiểu hết sự việc mà dừng tay, sẽ còn bao nhiêu kẻ khác coi thường pháp luật? Lúc đó, có phải những người đang kêu gào bênh vực tài xế sẽ lại đua nhau chỉ trích cảnh sát không làm tròn chức trách hay không?
Cần nhắc lại một lần nữa, hành động của anh cảnh sát giao thông trong clip là thiếu chuẩn mực, nhưng không phải vì thế mà ai đó cho mình cái quyền đứng về phía người vi phạm. Chúng ta không thể vì cái sai này mà ủng hộ cái sai khác. Bênh vực tài xế trên chính là dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật. Khi bênh vực những hành vi vi phạm pháp luật, bạn đang đặt chính cuộc sống của bản thân và gia đình vào tình trạng nguy hiểm.
Chưa cần biết tài xế này có phải đang vận chuyện than trái phép lúc bị yêu cầu dừng xe hay không, nhưng hàng loạt hành vi của anh ta đã vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ một cách trắng trợn. Những người như thế phải bị xử lý nghiêm minh để làm gương cho những kẻ coi thường phép nước khác.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.
Bình luận