Dồn dập và liên tiếp, những tin tức đau lòng về tổn thất do thiên tai cứ dội về từ nhiều địa phương khiến đồng bào cả nước nín thở, xót xa theo dõi. Cơn bão đã tan nhưng thiệt hại của nó vẫn tiếp tục kéo dài khi mưa lũ tấn công toàn miền Bắc cùng với tình trạng ngập lụt, lũ quét, lũ cuốn, sạt lở đất khủng khiếp… khiến 58 người chết, 40 người mất tích, 746 người bị thương, tính đến 22h ngày 9/9.
Tại Lào Cai, vụ sạt lở xảy ra trưa 8/9 tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa vùi lấp 4 ngôi nhà với tổng số 26 nhân khẩu. Sau 1 ngày tìm kiếm, UBND thị xã Sapa xác định 6 người tử vong, 9 người bị thương.
Sáng 9/9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ sạt lở kinh hoàng khác. Tại xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, 3 ngôi nhà bị vùi lấp. Các lực lượng chức năng cứu được cháu Sùng A Nh., 3 tuổi, bị gãy chân, còn 4 người thân của cháu gồm bố, mẹ, chị gái và em gái đều qua đời. Con tại xã A Lù, huyện Bát Xát, 4 ngôi nhà bị đất đá bao phủ, 7 người mất tích.
Trong khi lo lắng dõi theo công cuộc tìm kiếm, cứu hộ ở Lào Cai, người dân cả nước lại thót tim khi biết tin cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng (nối giữa huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ) bị sập trong lúc có 10 phương tiện đang di chuyển. Đến tối 9/9, lực lượng chức năng đã cứu và đưa 3 người bị thương đến cơ sở y tế, 8 người đang mất tích.
Cũng trong ngày 9/9, tại Cao Bằng, một xe khách 16 chỗ chở hơn 10 hành khách và 1 xe con bị đất đá sạt lở đẩy xuống suối vào lúc sáng sớm 9/9 ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. Ở thôn Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, 5 ngôi nhà bị chôn vùi lúc rạng sáng, hàng chục người chết và mất tích.
Còn tại Yên Bái, 4 ngôi nhà bị làm sập, 2 người trong cùng gia đình mất tích do sạt lở ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên.
Cùng với đó là tin tức ngập lụt ở khắp nơi: Nước lũ bủa vây các thành phố Yên Bái và Lạng Sơn khiến hàng nghìn nhà dân chìm trong biển nước; người dân Thái Nguyên thâu đêm chạy lụt, giao thông bị chia cắt khi nước sông Cầu dâng cao vượt 36cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959; mưa bão tàn phá hàng loạt nhà dân ở Tuyên Quang... Thiên tai đang đưa hàng triệu người dân vào vùng ảnh hưởng của nó mà tổn thất có lẽ sẽ còn tiếp tục tăng.
Sau những thảm họa thiên nhiên là bao nhiêu người mất đi thân nhân, bao nhiêu gia đình trắng tay, thậm chí vừa tổn thất về người vừa khánh kiệt khi mọi tài sản đều bị cuốn trôi, vùi lấp.
Vài ngày qua, bao nhiêu hình ảnh, bài đăng trên báo chí và mạng xã hội gây nhói tim với cảnh người dân bất lực nhìn nước lớn, gió mạnh hủy hoại phương tiện mưu sinh hay tài sản tích cóp cả đời, những ngôi nhà bị phá hỏng, những ruộng vườn tan hoang, tàu thuyền và lồng bè nuôi hải sản cái chìm vỡ, cái trôi dạt mất tích…
Những tin tức đáng buồn này có lẽ còn tiếp tục đến trong những ngày tới. Người dân các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai vẫn đang từng phút gồng mình đối phó để giữ an toàn sức khỏe, tính mạng bản thân và gia đình cũng như bảo vệ tài sản. Các lực lượng chức năng cũng dốc sức suốt ngày đêm cho công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…
Những người còn lại có thể làm gì? Sự lo lắng, yêu thương của chúng ta dành cho đồng bào vùng lũ lụt, sạt lở cần được thể hiện bằng những hành động thiết thực. Công cuộc cứu trợ, hỗ trợ trong và sau bão lũ cần rất nhiều sức người, sức của; đây là lúc cần sự chung tay của người dân cả nước.
Có lẽ lúc này, dù đang phải căng mình làm việc với áp lực cao thế nào, những người được ở nơi tạnh ráo, được mặc quần áo khô và ăn bát cơm nóng hổi vẫn thấy canh cánh trong lòng về tình cảnh những người đồng bào đang phải dầm mình trong nước lũ, đang mắc kẹt chờ cứu hộ, hay tính mạng đang lâm nguy…
Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ nói họ chỉ muốn lao ngay đến nơi cần giúp đỡ, góp một tay mình giúp đỡ chính quyền, người dân nơi có lũ lụt, sạt lở… Những hoạt động tình nguyện cần có sự điều phối của cơ quan chức năng để đảm bảo hiệu quả và an toàn; còn sự hỗ trợ về tài chính là điều mỗi người có thể thực hiện ngay.
Đó là cách hàng triệu người Việt Nam vẫn làm lâu nay để chia sẻ khó khăn với người dân các vùng thiên tai, giúp bà con của mình vượt qua hoạn nạn, sớm trở lại với nhịp sống đời thường. “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Lá lành đùm lá rách”…, trong hoàn cảnh như hiện nay, những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc này có ý nghĩa thiêng liêng, thấm thía hơn bao giờ hết.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận