• Zalo

Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng bị rao bán để cắt lỗ

Bất động sảnThứ Năm, 23/07/2020 12:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đà Nẵng từng phát triển quá nóng cơ sở lưu trú, hiện nhiều khách sạn ở Đà Nẵng đang phải rao bán vì kinh doanh ế ẩm, thua lỗ.

Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng bị rao bán để cắt lỗ - 1

Thông tin bán khách sạn ở Đà Nẵng xuất hiện trên các trang dịch vụ nhà đất.

Chỉ cần vào trang Google, gõ từ khoá tìm kiếm “bán khách sạn Đà Nẵng”, sau chưa tới 1 giây xuất hiện 24,6 triệu thông tin về các khách sạn muốn bán, giá từ vài chục tỷ thậm chí hơn trăm tỷ đồng. Có nhiều trang ghi rõ thông tin "vì nợ ngân hàng nên cần bán gấp khách sạn". Một khách sạn 4 sao, 12 tầng ở đường Phan Tôn, cách biển 100m, diện tích 180m2 được rao bán với giá 69 tỷ đồng. Hay một khách sạn 4 sao ở đường Võ Nguyên Giáp cũng đang được rao bán với giá 350 tỷ đồng.

Chủ một khách sạn giấu tên ở đường Hà Bổng chia sẻ, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, khách sạn ngừng kinh doanh 6 tháng qua. Không có doanh thu nhưng hàng tháng vẫn phải chi trả các loại tiền dịch vụ hơn 100 triệu đồng một tháng. Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay, chủ khách sạn này buộc phải bán vì không còn nguồn lực để duy trì hoạt động cho khách sạn. Dù rao bán hơn 1 tháng nay nhưng không có người hỏi mua.

Thông tin bán khách sạn ở Đà Nẵng xuất hiện trên các trang dịch vụ nhà đất. "Khách sạn có vay ngân hàng để xoay vòng vốn của mình. Trong thời gian vừa rồi do ảnh hưởng của dịch khá lâu đến tận bây giờ. Lượng khách nội địa chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của các chủ đầu tư, kèm theo nhiều chi phí phát sinh gây ảnh hưởng rất lớn, nên tôi buộc phải bán khách sạn để trang trải lại những thứ đầu tư lúc ban đầu”, chủ khách sạn cho biết.

Theo nhiều chủ sàn giao dịch bất động sản ở thành phố Đà Nẵng, mặc dù chủ khách sạn đưa mức phí hoa hồng khá cao nhưng rất khó tìm được khách hàng bởi hiện nay khách sạn quá vắng khách. Tình trạng rao bán khách sạn rất nhiều. Hầu hết chủ khách sạn là những người vay ngân hàng đầu tư đón làn sóng khách du lịch quốc tế Hàn Quốc, Trung Quốc. Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chủ đầu tư không kham nổi trước số tiền vay quá lớn nên phải bán để “cắt” lỗ.

Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng bị rao bán để cắt lỗ - 2

Dù đang là mùa du lịch nhưng không ít khách sạn ở Đà Nẵng vắng khách.

 Chị Nguyễn Thu H., một chủ công ty môi giới bất động sản ở Đà Nẵng cho biết, chưa bao giờ chị thấy nhiều người rao bán khách sạn như thời điểm hiện nay, chiếm tới 80% thị trường giao dịch về dịch vụ du lịch. Nhiều khách sạn thuộc tập đoàn lớn cũng rao bán khách sạn chứ không riêng gì các chủ đầu tư nhỏ, lẻ. Theo chị H., các khách sạn rao bán nhiều nhất từ 3 sao trở xuống do không thể cạnh tranh với giá dịch vụ mà các khách sạn 4, 5 sao đang giảm giá "sốc". Nếu muốn đón được khách, các khách sạn nhỏ phải hạ xuống còn 200.000 - 300.000 đồng/ngày/đêm. Với giá thấp như vậy thì không đủ trả chi phí dịch vụ, hoạt động kinh doanh thua lỗ là đương nhiên.

Từ hồi tôi làm nghề tới giờ, tôi chưa thấy họ rao bán khách sạn nhiều như bây giờ. Có nhiều bạn có những rổ hàng hàng trăm khách sạn đang rao bán. Nhưng dù có bán với giá thấp đi chăng nữa cũng không có khách hàng mua", chị H. cho hay.

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 6 năm nay, tại thành phố có khoảng hơn 1.000 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 42.200  phòng. Tác động của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,66 triệu lượt, giảm gần nửa so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hội khách sạn Đà Nẵng xác nhận, nhiều doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn.

Theo ông Minh, với những chủ khách sạn, các nhà quản lý về kinh doanh lưu trú ở Đà Nẵng còn đang duy trì hoạt hoạt động thì điều họ lo lắng nhất là sau khi kết thúc mùa du lịch nội địa, du lịch Đà Nẵng sẽ đón dòng khách nào? Khách nghỉ trú đông, khách vùng Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang bị đại dịch Covid-19 bủa vây. Ông Nguyễn Minh nhận định, thời gian sắp tới, ngành khách sạn sẽ còn rất khó khăn, mong muốn được sự hỗ trợ hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng.

"Các chủ đầu tư, các nhà quản lý về các cơ sở lưu trú bị lỗ rất nặng, đặc biệt là những cơ sở đầu tư có liên quan đến hoạt động dư nợ ngân hàng về việc xây dựng đưa vào khai thác kinh doanh trong điều kiện không thuận lợi cho nên xảy ra câu chuyện nợ ngân hàng. Cho nên, Sở Du lịch là cơ quan tham mưu, cùng với các Sở, ngành liên quan như Công thương, các hệ thống ngân hàng của các ngân hàng thương mại đồng hành cùng với doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay”, ông Minh kiến nghị

Phương Cúc/VOV.vn
Bình luận
vtcnews.vn