Người dân tập trung gửi đơn tố cáo lên Công an TP.HCM
Rất nhiều khách hàng tố nhân viên Ngân hàng SCB và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife có nhiều sai phạm, khiến hợp đồng đầu tư tiết kiệm “hóa" thành bảo hiểm nhân thọ, làm người mua mất tiền.
Nghi bị giả chữ ký
Bế trên tray con gái 8 tháng tuổi, chị Nguyễn Thanh Xuân (ngụ quận 3) cho biết, vào tháng 7/2021, chị đến Ngân hàng SCB chi nhánh Nam Sài Gòn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) để đáo hạn thì được nhân viên ở đây tư vấn về sản phẩm Tâm An Đầu Tư. Nhân viên này giới thiệu đây là sản phẩm đầu tư mới của SCB với lãi suất cao hơn ngân hàng. Người mua chỉ cần tham gia 3 - 8 năm là có thể linh hoạt rút sau 3 năm tham gia mà không bị mất vốn lẫn lãi.
“Là khách hàng lâu năm của SCB, tôi cũng muốn ủng hộ sản phẩm mới nên đã nghe lời nhân viên ngân hàng tham gia gói tiết kiệm đầu tư. Sau khi đồng ý tham gia, nhân viên bảo tôi sẽ được tặng gói bảo hiểm sức khỏe của Manulife miễn phí. Gói bảo hiểm này sẽ bảo vệ tôi năm đầu tham gia, nếu tử vong vì COVID-19 sẽ được chi trả 9 tỷ đồng”, chị Xuân kể lại.
Sau đó, các nhân viên đưa cho chị Xuân một tờ khai sức khỏe để chị điền và ký tên. Do từng mổ khối u nên chị hỏi kỹ nhân viên tư vấn là có tham gia bảo hiểm được không thì người này khẳng định “không sao cả”. Trong năm 2021 và 2022 chị đã đóng vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư tổng cộng 200 triệu đồng.
Đến tháng 2/2023, khi xem các video trên mạng xã hội, chị Xuân phát hiện có nhiều người mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư giống chị và những người này đang khiếu nại. Ngay lập tức, chị liên hệ với nhân viên ngân hàng thì được biết nhân viên này đã nghỉ việc ở SCB. Người này cũng tắt điện thoại, hủy kết bạn trên Zalo với chị Xuân.
“Tôi nghĩ nhân viên này đã đánh tráo khái niệm, định nghĩa và lừa tôi từ gửi tiết kiệm đầu tư sang bảo hiểm nhân thọ”, chị Xuân nói.
Theo chị Xuân, chị đang phải nuôi con nhỏ mới 8 tháng tuổi và gia đình cũng đang có khoản nợ mua nhà lên tới 800 triệu đồng. Chính vì vậy, chị không thể tiếp tục tham gia đóng số tiền 100 triệu đồng/năm vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư. Chị đề nghị Công ty Manulife và Ngân hàng SCB tuyên hợp đồng của chị vô hiệu và hoàn trả lại 200 triệu đồng cho chị.
Cũng theo chị Xuân, nhân viên ngân hàng đã có sai phạm khi kê khai không đúng thông tin trên phiếu “Yêu cầu bảo hiểm” như nghề nghiệp, thu nhập, sức khỏe và giả mạo chữ ký của chị.
Tương tự, bà Lý Thị Thanh Xuân (68 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho hay, bà nghi cũng bị các nhân viên giả mạo chữ ký, chữ viết. Nhân viên cũng đã tư vấn không đúng sự thật, đánh tráo khái niệm khiến bà đổ vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư hơn 266 triệu đồng - số tiền tiết kiệm mà bà để dành chữa trị bệnh ung thư vú và ung thư tuyến giáp.
Nhiều người khác mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư cũng cho rằng, họ bị giả mạo chữ ký, chữ viết để hoàn tất các thủ tục thực hiện hợp đồng. Các chữ ký giả “na ná”, gần giống với chữ ký của họ.
Hợp đồng đầu tư tiết kiệm “hóa” bảo hiểm nhân thọ
Chị Trần Huỳnh Bích Thủy (ngụ Thuận An, tỉnh Bình Dương) được nhân viên Ngân hàng SCB chi nhánh Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) và nhân viên Manulife tư vấn sản phẩm Tâm An Đầu Tư có lãi suất cam kết từ 11 - 14%/năm và được tặng kèm quyền lợi bảo vệ sức khỏe lên đến 10 tỷ đồng/năm. Các nhân viên tư vấn chị Thủy sử dụng 300 triệu đồng tiết kiệm chia vào 2 tài khoản.
Tài khoản thứ nhất là 100 triệu đồng, đây là tài khoản tiết kiệm đi kèm quyền lợi bảo vệ sức khỏe. Tài khoản này chỉ được rút hết sau 1 năm và chỉ cần giữ lại bên trong tài khoản tối thiểu 10 triệu đồng để duy trì số dư kèm quyền lợi bảo vệ sức khỏe cho chị Thủy.
Tài khoản thứ hai là 200 triệu đồng, đây là tài khoản đầu tư linh hoạt có thể rút bất kỳ lúc nào. Nếu đóng 300 triệu đồng/năm, sau 3 năm chị Thủy sẽ có 1,3 tỷ đồng bao gồm cả gốc, lãi.
Vì tin vào uy tín của ngân hàng nên chị Thủy đã đóng 300 triệu đồng vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư. Hợp đồng của chị được cấp vào ngày 5/1/2021 và chị tin rằng mình đã có một hợp đồng đầu tư tiết kiệm. Thế nhưng, 1 năm sau, chị “tá hỏa” khi biết đó là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Chị liên hệ với các nhân viên của Manulife thì các nhân viên này đã chối bỏ trách nhiệm và thông báo đã nghỉ việc.
Nhiều khách hàng khác cho biết, lúc đầu họ đều được nhân viên Ngân hàng SCB và Manulife tư vấn sản phẩm Tâm An Đầu Tư là sản phẩm đầu tư mới, tiết kiệm có lãi suất cao. Thế nhưng, sau này người dân mới phát hiện đó chính là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Theo đại diện nhóm người dân tố cáo trưa 20/4 tại TP.HCM, nhóm này đã gửi tổng cộng 114 đơn tố cáo lên cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Trước đó, nhóm này đã gửi 34 đơn tố cáo. Tổng số người dân tố cáo trong nhóm khoảng 330 người.
Trước đó, đại diện Manulife Việt Nam cho biết, đơn vị này đã ghi nhận việc một số khách hàng không hài lòng với sản phẩm "Tâm An Đầu Tư" được phân phối thông qua đối tác là Ngân hàng SCB.
Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với Công ty Manulife Việt Nam.
“Manulife rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng và hiện đang xem xét giải quyết các yêu cầu của khách hàng một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào, và nếu phát hiện các hành vi này, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý”, Manulife Việt Nam nêu rõ.
Bình luận