• Zalo

Hãng tàu ngoại tăng mạnh phí dịch vụ, doanh nghiệp xuất khẩu Việt khốn đốn

Thị trườngChủ Nhật, 03/03/2024 06:07:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam gặp khó khi các hãng tàu biển tự ý nâng giá cước thêm 10 – 20% mỗi chuyến hàng.

Điều này khiến giá hàng hóa buộc tăng thêm do gánh cước phí vận chuyển, làm giảm sự cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Grroup, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi cho biết: “Các doanh nghiệp đã kiến nghị nhưng không được giải quyết, bởi hãng tàu đều lấy lý do một chiều có hàng, một chiều rỗng, thiếu container…nên phải lấy giá cao để bù đắp chi phí. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn phải phụ thuộc vào họ, bởi Việt Nam chưa có hãng vận tải biển chủ lực nào để thay thế”.

Ông Tùng ước tính, lần tăng cước này, nếu tăng 20% cho mỗi container thì giá trái cây xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ phải tăng 4-5%, dẫn đến giảm sức cạnh tranh với trái cây của các nước khác. "Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có giải phá can thiệp, ngăn chặn việc các doanh nghiệp vận tải biển tự ý nâng giá cước và dịch vụ”, ông Tùng đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) chuyên xuất khẩu trái cây tươi cũng cho biết, các hãng tàu biển của nước ngoài không chỉ tăng giá cước vận tải lên vài trăm USD, mà họ tăng nhiều hơn. Cụ thể, những chuyến tàu biển đi châu Âu, Mỹ, Trung Đông đã tăng giá mạnh từ hơn 1.000 - 2.500 USD mỗi container hàng.

"Chẳng hạn mỗi conteiner đi Mỹ trước tháng 10/2023 có giá khoảng 2.000 USD, nay họ tăng lên hơn 4.000 - 4.500 USD. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, bởi giá cước vận tải chiếm khoảng 16 - 20% giá thành sản phẩm", ông Thìn nói.

Theo ông Thìn, khi chi phí vận chuyển tăng thì giá trái cây xuất khẩu cũng buộc phải tăng theo, làm giảm tính cạnh tranh và cơ hội chinh phục thị trường xuất khẩu. Trong trường hợp đơn hàng đã ký kết trước đó, doanh nghiệp xuất khẩu không tăng được giá thì phải chấp nhận lỗ để giữ giá cũ, giữ khách hàng. 

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì cước vận tải biển tăng cao. (Ảnh minh họa: Báo An Giang)

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì cước vận tải biển tăng cao. (Ảnh minh họa: Báo An Giang)

Tự tăng phí THC, chỉ áp dụng cho Việt Nam?

Trong công văn gửi Thủ tướng và các bộ, ngành mới đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, khi Thông tư 39 - quyết định thay đổi giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến, bốc dỡ container được Bộ Giao thông Vận tải ban hành vào cuối 2023, có hiệu lực từ 15/2, thì ngay từ đầu tháng 2/2024, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10 - 20% phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam.

Điều đáng nói, việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng THC.

Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10 - 20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

"Các hãng tàu nước ngoài niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc nào của cơ quan chức năng", công văn của Hiệp hội cho biết.

Giá cước vận tải biển tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. (Ảnh minh họa).

Giá cước vận tải biển tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. (Ảnh minh họa).

Cũng theo Hiệp hội Chủ hàng từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Không chỉ vậy, hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý Nhà nước, hầu hết ở mức rất cao, cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam Phan Thông, sau 5 năm không điều chỉnh bất cứ loại giá dịch vụ nào, từ 15/2/2024, giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được điều chỉnh tăng theo Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT.

Việc các hãng tàu nước ngoài tăng phí THC một phần bởi theo sự điều chỉnh tăng của thông tư này. Tuy vậy, điều khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cảm thấy thiếu thuyết phục là mức tăng theo Thông tư số 39 cơ bản vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng/container, song các hãng tàu tăng phí THC lên tới hơn 500.000 đồng/container.

Ngoài ra, thông tư này phân chia theo 3 khu vực cảng biển trên cả nước với mức tăng khác nhau, nhưng các hãng tàu lại tăng phí THC chung cho các cảng ở Việt Nam.

Đã đến lúc siết chặt

Trong văn bản gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đề xuất các bộ, ngành kịp thời ban hành quy định, cơ chế kiểm soát việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, cần bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.

Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì đề xuất cơ quan chức năng xem xét áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý; đồng thời kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành các cơ chế phù hợp quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý - môi giới - dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA) cho biết, hiện nay các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng. 

“Đã đến lúc siết lại công tác quản lý phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài. Muốn vậy, cần nghiên cứu về mặt pháp lý cũng như thông lệ quốc tế. Có thể yêu cầu họ muốn tăng phí phải được sự đồng thuận từ cơ quan quản lý, từ phía hiệp hội, sau đó mới được ban hành”, ông Long nêu quan điểm.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn