Cước phí vận tải biển đã tăng cao gấp đôi, gấp ba do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ (con đường hàng hải thương mại quan trọng trên thế giới).
Cước phí hàng không cao gấp 10 lần so với đường biển
Công ty Vina T&T Group mỗi tuần xuất từ 15-20 contairner trái cây tươi sang thị trường Mỹ. Gần đây, việc vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ nguy hiểm đã làm cước vận chuyển tăng 30%, thời gian vận chuyển tăng thêm khoảng 15 ngày, làm cho DN càng khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc T&T cho biết, đối với loại trái cây có thời gian bảo quản lâu như bưởi và dừa (khoảng 65 ngày) DN vẫn xuất khẩu bằng đường biển. Còn trái cây không giữ lâu được như thanh long, xoài, nhãn thì chuyển sang vận chuyển bằng hàng không.
Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cước phí cao gấp 10 lần so với đường biển. Đường biển chi phí chỉ 0,4 USD/kg, còn đường hàng không giá từ 4 -5 USD/kg. Vì vậy, công ty không xuất được đơn hàng lớn trong dịp mua sắm cuối năm này mà chỉ xuất cầm chừng. Sản lượng xuất khẩu giảm từ 50-60% vì giá thành tăng, sức mua giảm nên nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập.
“Đa phần khách hàng đồng hành chia sẻ khó khăn với DN về cước phí, vì khó khăn này là khách quan. Việc đàm phán với khách hàng không khó về chi phí này. DN khó khăn là không xuất được lượng hàng lớn, vì xuất bằng đường hàng không cũng chỉ xuất để cho có hàng, không tận dụng dịp mua sắm cuối năm, nhất là Tết Việt Nam để xuất nhiều”, ông Tùng cho biết.
Cũng qua Biển Đỏ, tuyến vận chuyển hàng quá đến châu Âu hiện giá cước tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - DN xuất khẩu gạo chia sẻ, trước đây DN xuất gạo đi châu Âu, cước phí chỉ dưới 1.000 USD/container, nhưng nay tăng lên 3.000 - 4.000 USD/container là tăng gấp đôi thậm chí gấp ba, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xuất khẩu gạo.
Doanh nghiệp xuất khẩu khó gượng lại Hiện nay cước tàu biển từ Việt Nam đi đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 USD/container. Riêng tuyến Việt Nam đến EU cước phí tăng từ 600 lên 4.000 USD/container.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, DN của ông xuất khẩu trung bình mỗi ngày từ 5- 10 container hàng hóa. Cước phí vận chuyển tăng khiến cho các DN xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng. Hoạt động xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và các mặt hàng gia vị của DN này cũng bị sụt giảm nhiều.
Điều lo lắng nhất là các DN quy mô nhỏ rất khó xoay sở với các hợp đồng đã ký. Trong đó, các DN xuất khẩu sản phẩm gỗ vừa trải qua giai đoạn rất khó khăn, nhiều DN tăng trưởng âm. Sau dịch Covid, vừa mới gượng dậy thì đã bị giáng ngay vụ tăng cước phí tàu biển và các nhà nhập khẩu sẽ ngưng nhận hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Viet Products đang rất lo lắng. Bởi công ty vừa mới phục hồi được từ 30% - 40% đơn hàng xuất khẩu đi thị trường châu Âu, nhưng do cước phí vận tải biển đã tăng nhanh chóng từ 100% - 150% nên các khách hàng ở khu vực châu Âu, như Đức, Thụy Điển, Đan Mạch…đã đề nghị công ty tạm dừng xuất hàng. Với tình hình này, DN chưa biết khi nào khách hàng tiếp nhận hàng hóa trở lại, trong khi nguồn lực cũng cạn dần.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, thời gian tới không chỉ những tuyến vận tải đi qua khu vực Biển Đỏ tăng phí, có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng theo, trong khi hầu hết các DN đã đuối sức.
“Cước phí vận tải ảnh hưởng đến tất cả các DN xuất khẩu, trong đó có DN chế biến gỗ. Cước phí làm làm cho chi phí tăng lên, trong khi chi phí tăng lên nữa sẽ khiến các DN đang mỏng, yếu sẽ sụp ngay. Từ cuối năm 2023, khó khăn của DN đã tới giới hạn đỏ, giờ đang vượt qua giới hạn đỏ và cứ tiếp tục đà này các DN sẽ không gượng được nữa”, ông Mạnh bày tỏ.
Năm 2023, thị trường xuất khẩu nhiều khó khăn, các DN xuất khẩu đã dồn hết sức để vượt khó. Giờ cước phí vận chuyển hàng hóa tăng sốc làm cho các DN lại một lần nữa đứng trước khó khăn, thách thức lớn, rất khó có thể gượng lại được.
Bình luận