• Zalo

Hàng nghìn SV Kinh tế ‘phát cuồng’ bởi GS Xoay và 2 CEO

Giáo dụcThứ Năm, 18/04/2013 08:46:00 +07:00Google News

(VTC News)- Hàng ngàn sinh viên ĐH Kinh tế Quốc Dân, Ngoại thương, Bách Khoa, Ngân hàng… vô cùng phấn khích khi được giao lưu với GS Xoay và 2 vị CEO nổi tiếng.

(VTC News) - Hàng ngàn sinh viên ĐH Kinh tế Quốc Dân, Ngoại thương, Bách Khoa, Ngân hàng… vô cùng phấn khích khi được giao lưu với GS Xoay và 2 vị CEO nổi tiếng.

Sự có mặt của GS Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng trong vai trò của một MC đã khiến hàng nghìn sinh viên có mặt tại hội trường vô cùng phấn khích. Vẫn với lối dẫn hóm hỉnh, "GS Xoay" đã khiến cho buổi giao lưu cuốn hút từ đầu tới cuối.

Diễn giả của chương trình “Chat với CEO” là 2 lãnh đạo thế hệ 7x của Tập đoàn FPT: Tổng Giám đốc Công ty Bán lẻ FPT (FPT Retail) Phạm Thành Đức và Giám đốc đơn vị phần mềm chiến lược số 1 (thuộc Công ty Phần mềm FPT) Hoàng Việt Anh. Đây là những lãnh đạo trẻ, tài năng, giàu kinh nghiệm song cũng rất hài hước.

Hơn 1 năm thua lỗ hơn 2 triệu USD

"GS Xoay" cùng 2 vị diễn giả chia sẻ trước hàng nghìn sinh viên  

Trước mỗi thành công bao giờ cũng là thất bại, thậm chí thất bại vô cùng lớn nhưng cũng không thể ngăn được ý chí phấn đấu của những nhà lãnh đạo trẻ tài ba này.

Anh Hoàng Việt Anh không ngần ngại kể về một kỷ niệm đáng nhớ bậc nhất trong cuộc đời làm việc của mình chính là sự thua lỗ khổng lồ. Vào khoảng năm 2010, anh Việt Anh được giao một dự án làm việc với 1 ngân hàng top 25 toàn cầu. Sẵn có những thành công từ nhiều dự án trước đó, anh cùng các đồng nghiệp vô cùng tự tin có thể “chén gọn” được dự án béo bở này.

Tuy nhiên, thực tế không như Việt Anh nghĩ. Bản thân anh cùng 350 nhân viên đã làm việc ròng rã trong 15 tháng nhưng vẫn không thể giao được sản phẩm ưng ý cho khách hàng.

Lúc này, anh Việt Anh và 350 nhân viên đã tiêu tốn số tiền hơn 2 triệu USD nhưng chưa hề đem lại sản phẩm. Qua hàng trăm cuộc họp căng thẳng cùng áp lực đặt ra từ lãnh đạo tập đoàn, anh Việt Anh đã xin thêm một cơ hội để có thể hoàn thành sản phẩm sớm nhất.

Sau đó, với cách làm khác sáng tạo hơn, anh Việt Anh cùng 350 nhân viên đã hoàn thành dự án được giao một cách xuất sắc. Hiện tại, số tiền lãi từ dự án mang về đã là hơn 10 triệu USD.

“Nỗ lực cá nhân là yếu tố tiên quyết nếu muốn thành công”, anh Việt Anh chia sẻ.
Hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn một chỗ ngồi 

Trong khi đó, Tổng Giám đốc FPT Retail Phạm Thành Đức cũng chia sẻ đã từng làm công ty thua lỗ hơn 1 triệu USD trong vòng 9 tháng. Trước tương lai mịt mù của dự án kinh doanh Game online do anh Đức đứng đầu cùng với số tiền bỏ ra quá lớn, lãnh đạo tập đoàn cũng đã cân nhắc tới việc kết thúc dự án. Điều đó đồng nghĩa với việc anh Đức sẽ phải rời bỏ vị trí công việc mình đang đảm nhận.

Tuy nhiên, sau khi đi tìm hiểu mô hình kinh doanh game của nhiều nước trên thế giới, anh Đức đã tìm ra được bí quyết thành công cho mình và kéo dự án khỏi nguy cơ phá sản.

Em có biết hát không?

Là những người đứng đầu các đơn vị, anh Hoàng Việt Anh cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo, sinh viên khi ra trường cần phải có những kỹ năng mềm và làm việc nhóm.
Màn trình diễn "ngẫu hứng" của GS Xoay và 2 vị diễn giả 

Theo anh Việt Anh, cách học và rèn luyện những kỹ năng này vô cùng đơn giản và sinh viên có thể thực hành ngay trong những giờ lên lớp bằng việc phát biểu trước đám đông, thuyết trình bài tập.

Rất nhiều sinh viên tại hội trường cũng đều có một băn khoăn khi đặt ra câu hỏi “ Những câu hỏi nào là khó nhất đối với ứng viên khi đi xin việc”.

Đáp lại câu hỏi này, anh Việt Anh chia sẻ rằng trong nhiều trường hợp, anh chỉ hỏi những câu đơn giản như “Em có biết hát không? Nếu hát được tiếng Anh thì hát cho anh nghe 1 bài”.

Nhiều nhân viên sau khi được tuyển dụng đều tỏ ra hết sức bất ngờ vì tưởng rằng những câu hỏi của nhà tuyển dụng chỉ mang nặng tính chuyên môn.

“Ngày xưa anh phỏng vấn vào FPT cũng chỉ phải trả lời hai câu hỏi. Câu thứ nhất: Em biết ngôn ngữ lập trình nào. Câu thứ hai: Em có biết đá bóng không?. Không ngờ ngày đó được nhận vào vì trả lời là biết đá bóng còn ngôn ngữ lập trình Pascal anh sử dụng được nhưng công ty lại cần ngôn ngữ lập trình C”, anh Việt Anh vui vẻ kể lại về câu chuyện phỏng vấn của chính mình.
Những câu hỏi của các bạn sinh viên đều được giải đáp 

Cũng có cách phỏng vấn nhân sự đặc biệt, anh Phạm Thành Đức chia sẻ rằng anh thường chỉ hỏi những câu đơn giản như : “ Em là con thứ mấy trong gia đình. Em có phải ở xa nhà hay không. Một tuần em gọi điện hay viết thư về nhà mấy lần…”

Theo anh Đức, những câu hỏi tưởng như vu vơ nhưng lại giúp anh có thể tuyển dụng được những nhân sự tốt cho khu vực bán hàng. Công ty của anh chuyên về quản lý con người và giao tiếp với khách hàng nên rất cần những cá nhân có khả năng quản lý, có sự quan tâm và sắp xếp công việc.

Chính qua việc cá nhân đó tổ chức, sắp xếp công việc trong gia đình cũng sẽ phản ánh năng lực làm việc của người ấy.

Em có biết hát không? Nếu hát được tiếng Anh thì hát cho anh nghe 1 bài
Anh Hoàng Việt Anh - Giám đốc đơn vị phần mềm chiến lược số 1
Cũng từng nhiều lần tham gia phỏng vấn nhân sự cho tập đoàn FPT, cá nhân GS Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng cũng thường xuyên gây khó cho các ứng viên bằng những câu hỏi như : " Em có biết hát không, em có biết đánh đàn không, em có biết uống bia không, em có biết đá bóng không...".

Tuy chỉ là những câu hỏi đơn giản song người phỏng vấn cũng có thể tìm ra được ứng viên ưng ý. "Tuy vậy, các em vẫn phải trả lời bằng chính sự chân thật" - GS Xoay nhấn mạnh.

Anh Hoàng Việt Anh cũng gửi lời nhắn nhủ tới các bạn sinh viên:  “Nhiều bạn sinh viên ra trường, đặc biệt là sinh viên CNTT đều muốn xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. Điều này rất đáng khuyến khích, tuy nhiên các bạn nên cân nhắc thực lực của mình. Để thành công, cần thực sự yêu công việc, yêu nghề mình làm mà trong tình yêu có lúc hạnh phúc, nhưng có lúc cũng rất đau khổ”.

Đã từng đến và làm việc tại gần 30 quốc gia trên thế giới, bí quyết thành công trước tiên của anh Hoàng Việt Anh là phải có sức khỏe tốt để duy trì được sự tỉnh táo qua nhiều chuyến đi.

Tổng Giám đốc FPT Retail Phạm Thành Đức chia sẻ: “Tôi nhìn thấy có rất nhiều cơ hội mới dành cho các bạn trẻ và tôi tin các bạn sinh viên có đầy đủ năng lực và tố chất để nắm bắt các cơ hội này. Các bạn cần phải hiểu rõ thế mạnh của bản thân, thành công không phải là chỉ có ý tưởng và “nằm chờ” cơ hội đến mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biết cách nắm bắt và tự tạo cơ hội cho chính mình”.

“Chat với CEO” ngày 17/04 do Đoàn Trường ĐH  Kinh tế Quốc dân Hà Nội phối hợp cùng Tập đoàn FPT tổ chức, nhằm giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, thêm cơ hội khám phá bản thân và đưa ra những quyết định đúng đắn cho con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai.


Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn