Quận Thanh Xuân có một tổ hợp nhà máy từng là niềm tự hào một thời về nền công nghiệp của Hà Nội những năm 1970-1990. Đó là khu "Cao - Xà - Lá" gồm các nhà máy sản xuất sao su, xà phòng và thuốc lá.
Cụm khu công nghiệp này từ nhiều năm qua đã bị Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội liệt vào danh sách những cơ sở cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Nhà máy cao su Sao Vàng thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Kế hoạch di dời nhà máy này về Hà Nam đã được phê duyệt từ nhiều năm trước.
Nhưng đến nay, đơn vị này vẫn hoạt động. Khói từ hệ thống nhà xưởng vẫn đều đặn xả vào môi trường mỗi ngày.
Cách nhà máy cao su Sao Vàng không xa là Công ty Thuốc lá Thăng Long. Công ty này được thành lập năm 1957 trên diện tích hơn 64.000 m2 và hiện vẫn hoạt động, trung bình mỗi năm cho ra thị trường 1 tỷ bao thuốc lá.
Bộ Công Thương có quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án di dời Công ty thuốc lá Thăng Long. Việc di dời nhà máy sản xuất về KCN Thạch Thất - Quốc Oai nhẽ ra phải hoàn thành trong năm 2018.
Đến nay, việc di dời chưa được thực hiện. Nhà xưởng trong Công ty Thuốc lá Thăng Long ngày ngày phát tán mùi thuốc lá ra khu vực lân cận.
Nằm trong khu dân cư đông đúc tại phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Nhà máy dệt kim Đông Xuân. Người dân sinh sống gần đó cho biết nhà máy này hoạt động thường xả khói có mùi khét và hắc khiến họ cảm thấy khó thở.
Thành lập cách đây tròn 60 năm, Dệt kim Đông Xuân lúc đầu sản xuất các mặt hàng phục vụ lực lượng vũ trang. Năm 2011, một nhà máy sản xuất của công ty được khánh thành tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, nhà máy tại số 524 Minh Khai vẫn chưa di dời.
Ngoài ảnh hưởng từ các nhà máy và khu công nghiệp, không khí Hà Nội ô nhiễm một phần do những làng nghề xung quanh thành phố. Nằm cách thủ đô khoảng 30 km, thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội được mệnh danh là "thủ phủ" phế liệu.
Mỗi ngày hơn 100 hộ gia đình trong thôn thu mua và chế biến gần 70 tấn phế liệu các loại. Đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế nhưng nghề tái chế rác thải lại khiến môi trường sống ở đây bị ảnh hưởng nặng nề.
Lao động chính trong làng là những người phụ nữ có độ tuổi trung bình từ 50-70. Dụng cụ bảo hộ lao động của họ chỉ đơn giản là chiếc khẩu trang mỏng và găng tay. Sau khi cắt mác, các vỏ chai sẽ được đưa vào máy nghiền nhỏ để làm nguyên liệu nhựa tái chế.
Các loại rác không tái chế được sẽ bị đem đi đốt và vứt bừa bãi ngay ở ven ao, hồ, lề đường...
Bình luận