Nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ được công bố vào 15/11 tới đây. Theo SCMP, các dữ liệu này được dự đoán thể hiện nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 10, với rất ít dấu hiệu hồi phục.
Sự suy yếu đến từ cả nguồn cung và cầu, tương tự giai đoạn đầu khi các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Sụt giảm nguồn cung do tình trạng thiếu điện, các quy định về môi trường của Bắc Kinh và các biện pháp khắc phục rủi ro tài chính đã tác động đến thị trường bất động sản. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm do ảnh hưởng của chiến lược "không COVID".
Các nhà kinh tế dự đoán sản xuất công nghiệp Trung Quốc chỉ tăng 3% so với một năm trước. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu chững lại vào đầu năm 2020, theo Bloomberg. Bên cạnh đó, đầu tư vào tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm tại Trung Quốc sẽ giảm từ mức 7,3% xuống 6,2%.
Hiện cuộc khủng hoảng điện đang dịu đi. Nhà điều hành lưới điện lớn nhất Trung Quốc trong tuần này cho biết cung và cầu đã trở lại cân bằng ở khoảng 88% khu vực. Tuy nhiên, vẫn có giới hạn sản xuất đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều, gây ô nhiễm nặng ở một số tỉnh.
Tài chính đầu tư bất động sản của các nhà phát triển có khả năng tiếp tục bị thắt chặt trong bối cảnh thị trường hỗn loạn, rắc rối liên quan đến tập đoàn Evergrande. Các nhà kinh tế cho biết, mặc dù một số chính sách bất động sản đã bắt đầu được điều chỉnh và có suy đoán về việc các chính sách này sẽ được nới lỏng, nhưng sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan vẫn có thể trở thành lực cản lớn đối với tăng trưởng của Trung Quốc, khi chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này.
Ngành tiêu dùng thì có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong làn sóng COVID-19 mới và cách tiếp cận "Không COVID" của Bắc Kinh, đặc biệt là các nhà hàng hoặc đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán lẻ. Niềm tin của người tiêu dùng không phục hồi như mức trước đại dịch, điều có thể thấy được từ dữ liệu chi tiêu kỳ nghỉ lễ quốc gia tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có khả năng một số người đã hoãn việc mua hàng từ tháng 10 đến lễ hội mua sắm trực tuyến "Ngày Độc thân" 11/11, khiến các dữ liệu bị ảnh hưởng. Các nhà kinh tế vẫn dự đoán tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ chậm lại còn 3,8%.
Ngoài ra, trước áp lực giảm giá ngày càng tăng, một số nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng cho các quý tới. Theo nhà kinh tế Lu Ting, sự suy giảm “vẫn chưa có điểm dừng”. “Mặc dù tình trạng thiếu hụt năng lượng đã được giảm bớt và các hạn chế bất động sản đã được cải thiện, chúng tôi cho rằng các điều kiện kinh tế có thể còn xấu hơn nữa vì chưa đạt đến ngưỡng để cơ quan chức năng có hành động".
Bình luận