"Trung Quốc nên tập trung vào việc xây dựng lá chắn bảo vệ bằng vaccine và kiểm tra mức độ miễn dịch của người dân sau khi tiêm chủng để xác định nên tiêm vaccine nào", Guan Yi - nhà khoa học từng giúp Trung Quốc ngăn chặn dịch SARS cho biết.
Trung Quốc đã tiêm chủng cho gần 80% dân số và bắt đầu triển khai chích ngừa cho trẻ.
Quốc gia tỷ dân hiện là nước duy nhất trên thế giới còn duy trì chiến lược "Không COVID-19" trong khi các quốc gia từng theo đuổi chiến lược này rất thành công là New Zealand, Singapore đã từ bỏ và tập sống chung với dịch.
"Giới chức các địa phương đang áp dụng chiến lược "Không COVID-19" để đối phó với các ca bệnh lẻ tẻ. Nhưng nếu vẫn giữ nguyên chiến lược này, tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta sẽ sụp đổ. Theo tôi sẽ là không khả thi nếu chúng ta đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các ca nhiễm", ông Guan cho hay.
Theo ông Guan, giống như virus cúm, nCoV sẽ sống với chúng ta trong một thời gian dài bởi nó đã tự thích nghi với cơ thể người.
Nhà khoa học Trung Quốc phân tích virus gây dịch SARS cách đây gần 10 năm có thể bị loại bỏ bởi nó vẫn chưa thích nghi hoàn toàn với con người.
Chỉ ra việc 2 ca COVID-19 được phát hiện đầu tiên trong đợt dịch mới nhất nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine, ông Guan cho rằng vấn đề cần làm hiện nay là xác định mức độ kháng thể mà vaccine tạo ra và xem nó kéo dài trong bao lâu.
"Chỉ khi đó chúng ta mới có thể xác định hiệu quả của vaccine. Chúng ta cũng phải tìm ra khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu sau các mũi tiêm bổ sung", ông này nói thêm.
Với hàng tỷ người đã chích ngừa, các nhà khoa học có thể so sánh hiệu quả các loại vaccine. Tuy nhiên vẫn chưa có tiêu chuẩn thống nhất để xác định mức kháng thể đủ để bảo vệ chống lại COVID-19.
Cũng theo ông Guan, các nhà sản xuất vaccine nên cập nhật công khai về hiệu quả vaccine của họ trước các biến thể của COVID-19. Chuyên gia này nói thêm rằng rất khó để các nhà khoa học tới từ các quốc gia khác nhau hợp tác để xây dựng mạng lưới giám sát toàn cầu tương tự mạng lưới theo dõi bệnh cúm bởi căng thẳng giữa các nước và vấn đề chính trị.
"Nếu không có một mạng lưới giám sát để theo dõi các đột biến của virus và xác định loại vaccine thích hợp, sẽ rất khó để phát triển các loại vaccine hiệu quả như vaccine phòng cúm", chuyên gia Trung Quốc khẳng định.
Bình luận