Chủ tịch Quốc hội: Không có tiêu chuẩn khí thải thì khó loại bỏ xe cũ nát

Tin nóngThứ Ba, 23/04/2024 12:55:21 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu không có những tiêu chuẩn về khí phát thải thì khó có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần một số phương tiện quá cũ, lạc hậu.

Đây là ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023". 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần làm rõ việc sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng ký lưu hành các phương tiện giao thông nói chung, trong đó có phương tiện vận tải đường bộ.

"Báo cáo cần tập trung nói thêm về vấn đề đăng kiểm gắn với xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải. Nếu chúng ta sử dụng phương tiện quá cũ thì tác động đến vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất lớn. Hay những phương tiện không đủ điều kiện lưu thông vừa không an toàn lại gây ra tác hại về khí", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không có những tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải thì khó mà có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần một số phương tiện đã quá cũ, quá lạc hậu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: quochoi.vn)

Về hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông, phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân kỳ cũng phải phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn.

Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng cao tốc La Sơn - Túy Loan đã hoàn thành xây dựng quy mô 2 làn xe nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Vừa qua Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất kịp thời, Quốc hội cũng dành quan tâm cho những dự án như này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng các trạm dừng nghỉ trên cao tốc cũng phải được đầu tư đồng bộ.

"Lái xe chạy đường dài mà chạy miết cũng dễ căng thẳng và gây tai nạn, có trạm dừng nghỉ hợp lý vừa hồi phục về thể chất, vừa hồi phục về tinh thần", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm hệ thống hành lang giao thông và trạm dừng nghỉ.

Phân bổ nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông cũng là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra. Ông dẫn chứng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đường bộ đã yếu rồi nhưng thủy nội địa cũng chưa được quan tâm đầu tư.

"Hồi tôi làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, 1km2 diện tích đồng bằng có 0,76km chiều dài kênh rạch, nhưng tỷ trọng đầu tư vào giao thông thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có mười mấy phần trăm thôi. Nếu đường thủy làm tốt thì sẽ giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm tải rủi ro về an toàn giao thông, hiệu quả của logistics sẽ tốt hơn nữa", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tiêu cực trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông hiện nay như thế nào.

"Lâu nay, người dân phàn nàn rất nhiều về tiêu cực của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và hoạt động đăng kiểm. Ủy ban Tư pháp đề nghị trong lần giám sát này, phải đánh giá liệu hiện nay có tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông không? Phải làm rõ để có các giải pháp khắc phục", bà Lê Thị Nga nói.

Vấn đề nữa được bà Lê Thị Nga đề cập là một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức rất kém, sẵn sàng vi phạm, vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, cũng con người đó, khi đi ra nước ngoài lại chấp hành rất tốt về luật trật tự an toàn giao thông của nước sở tại.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thực trạng này chứng tỏ hệ thống xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của chúng ta không nghiêm.

"Chúng tôi đề nghị đánh giá thêm ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đưa giảng dạy về trật tự an toàn giao thông vào trường học từ sớm, để rèn luyện ý thức của người tham gia giao thông cho học sinh ngay từ nhỏ", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, từ năm 2009 đến hết năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý 68.798.988 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 42.170 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 5.300.856 trường hợp, tạm giữ 9.086.184 phương tiện.

Thanh tra giao thông các cấp thực hiện 1.058.206 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 1.524.752 vụ vi phạm với số tiền trên 3.426 tỷ đồng; tạm giữ 7.505 ô tô. 

Bình luận
vtcnews.vn