• Zalo

Hàng hóa bán lẻ không lấy hóa đơn khiến ngân sách thất thu

Chính sách thuế và cuộc sốngChủ Nhật, 05/02/2023 20:47:31 +07:00Google News

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện có lượng hàng hóa bán lẻ thường không có hóa đơn, hay có thể nói là không lấy hóa đơn, gây ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc vận hành hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ đảm bảo sự công bằng giữa những người nộp thuế, theo nguyên tắc có phát sinh doanh thu, phải nộp thuế.

“Nhiệm vụ này được ngành Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp với các bộ, ngành triển khai với tinh thần luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để thúc đẩy kinh tế phát triển trên tinh thần khoan sức dân”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết. 

Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ chọn Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM thí điểm triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền 100%, tập trung vào nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn.

Hàng hóa bán lẻ không lấy hóa đơn khiến ngân sách thất thu - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành Nghị định quy định về cách thức thực hiện hóa đơn điện tử may mắn, mở thưởng, kinh phí và nguồn kinh phí.

“Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra hoạt động bán lẻ, nếu không xuất hóa đơn thì bị xử phạt" , Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Đặng Ngọc Minh, triển khai Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022 hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Theo đó 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) đã sử dụng hóa đơn điện tử. Để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng hóa đơn điện tử của những ngành nghề đặc thù này, ngành Thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022.

Các cục thuế đã tổ chức triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023) đối với một số nhóm đối tượng như: Ngành hàng ăn uống, siêu thị, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch...Các cục thuế đã rà soát, xác định và lập danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để triển khai ngay trong giai đoạn 1.

"Mặc dù không có quy định bắt buộc về việc phải áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, tuy nhiên, có quy định bắt buộc người bán phải xuất hóa đơn cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần… Người mua hàng có quyền được nhận hóa đơn để minh bạch trong giao dịch mua bán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài ra còn được quyền tham gia dự thưởng chương trình hóa đơn may mắn do ngành Thuế đã triển khai rất hiệu quả trong hơn 1 năm", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Để triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế khắc phục tình trạng không thể xuất hóa đơn điện tử ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hay đêm khuya do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chính là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định; chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hóa đơn điện tử khởi tại từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường.

Tính đến hết ngày 30/6/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Tính đến ngày 31/1/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,838 tỷ hóa đơn điện tử; trong đó 753,46 triệu hóa đơn điện tử có mã và 2,085 tỷ hóa đơn điện tử không mã.

Riêng kết quả triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn 1 tháng kể từ thời điểm chính thức vận hành, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, đã có 62/63 cục Thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023), với tổng số người nộp thuế sẽ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh; trong đó doanh nghiệp là 1.850, hộ kinh doanh là 2.093. Chỉ còn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn chưa lập được danh sách người nộp thuế sẽ triển khai giai đoạn 1 với lý do còn có khó khăn trong việc thuyết phục người nộp thuế chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử do đây không phải là quy định bắt buộc. 

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực; trong đó tập trung vào lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Khi áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong lĩnh vực bán lẻ, cơ quan thuế sẽ có cơ sở dữ liệu tập trung, chi tiết về các giao dịch hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên thị trường, trên cơ sở đó Bộ Công Thương có thể tra cứu phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh, chống gian lận thương mại.

Cùng với đó, phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử theo hướng tập trung trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có gian lận thương mại hàng kém chất lượng vào vai trò của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, những nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính đã đáp ứng được yêu cầu về quản lý thuế. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo tính pháp lý, các văn bản, thông tư đến nghị định, luật để đảm bảo bắt buộc phải chấp hành theo Luật Thuế. Trong việc triển khai hóa đơn điện từ khởi tạo từ máy tính tiền, hiện nay là động viên khuyến khích, chưa bắt buộc. Do đó, để triển khai hiệu quả cần đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ.

“Cần sẵn sàng kết nối dữ liệu, trong đó có liên quan đến dữ liệu quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về doanh nghiệp, hộ kinh doanh; cùng với đó là dữ liệu thuế, dữ liệu dân cư; đề nghị Tổng cục Thuế sớm xác thực dữ liệu, đảm bảo mỗi người dân có 1 mã số thuế đúng, chính xác, để quản lý, kết nối chia sẻ. Điều này sẽ giúp thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm về thuế”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang gửi thư công tác tới Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với Cơ quanh thuế để triển khai thống nhất, hiệu quả. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị, đối với lĩnh vực bán lẻ nói chung (bao gồm cả truyền thống và thương mại điện tử (TMĐT)) cần có những giải pháp về hóa đơn điện tử đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu về xuất hóa đơn rất lớn, thường xuyên, liên tục. Trong thời gian này cần chuyển đổi, nâng cấp dần hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin nên quy định hiện hành đang cho phép người nộp thuế thuộc lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng được lựa chọn (không bắt buộc) hình thức hóa đơn từ máy tính tiền. 

Trong thời gian tới, sau khi các giải pháp kỹ thuật, năng lực phục vụ đã đáp ứng yêu cầu lớn thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định về hóa đơn điện tử theo hướng bắt buộc lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (bán lẻ) phải sử dụng hóa đơn từ máy tính tiền, đặc biệt trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc; đồng thời quy định cụ thể các chế tài xử phạt nếu không áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

(Nguồn: Báo Tin tức )
Bình luận
vtcnews.vn