Robot phục vụ, cửa hàng không người bán
Cách đây một năm, người ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0 và cảnh báo việc robot sẽ dần thay thế con người. Ở thời điểm đó, không ít người dân cho rằng, đó là câu chuyện của nước bạn, còn ở Việt Nam còn dài dài,... Nhưng thực tế không phải vậy, những gì đang diễn ra cho thấy một tương lai không xa, nhiều ngành nghề sẽ có những sự chuyển biến rất mạnh.
Cuối tháng 12, tại TP.HCM, cửa hàng tự động không người bán đầu tiên đã được khai trương. Sự ra đời của cửa hàng tiện lợi này mang lại cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm mới. Điều đặc biệt sẽ không còn nhân viên bán hàng, tư vấn hay thu ngân,...
Khách hàng khi đến đây chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên màn hình cảm ứng rồi quét mã QR từ ứng dụng để thực hiện lệnh thanh toán mà không cần thanh toán bằng tiền mặt. Sau cửa hàng đầu tiên trên đường Mạc Thị Bưởi, đơn vị đầu tư tham vọng dự kiến mở khoảng 2.000 cửa hàng dạng này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ở Hà Nội, dịch vụ đỗ xe thông minh lần đầu tiên được ứng dụng tại các điểm khu vực trung tâm. Với những ưu việt so với hình thức đỗ xe truyền thống, ứng dụng quản lý xe ô tô thông minh đang được khách hàng hưởng ứng nhờ việc kiểm tra số chỗ trống và thanh toán tiền nhanh chóng, không cần tới nhân viên trông xe.
Không chỉ đáp ứng sự mong mỏi của người dân, mô hình mới còn góp phần thiết thực vào xây dựng Thủ đô thành một TP thông minh, hiện đại. Sau một thời gian thí điểm đem lại những hiệu quả nhất định, ngày 1/1/2018, dịch vụ tìm kiếm điểm đỗ xe trên thiết bị di động thông qua ứng dụng đã chính thức được triển khai trên địa bàn 9 quận nội thành Hà Nội.
Không chỉ vậy, những con robot bán hàng cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Một quán cà phê tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận nhờ đưa robot vào phục vụ khách. Đáng nói hơn, chú robot này hoàn toàn do người Việt Nam lên ý tưởng và thiết kế.
Robot đáp ứng tốt khả năng phục vụ thực khách trên một mặt sàn, có thể phục vụ tự động hàng trăm lượt khách trong vòng 15 giờ liên tục, biết tự động dừng lại khi gặp vật cản phía trước hay biết mời du khách khi đã đưa đồ uống đến đúng bàn khách ngồi.
Tương tự như vậy, tại TP.HCM, robot mang tên cô Ba được đưa vào hoạt động tại một nhà hàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Cô Ba có thể chào hỏi, giới thiệu các món ăn theo lập trình và di chuyển để mang thức ăn, đồ uống cho thực khách thông qua sự điều khiển của nhân viên.
Ở lĩnh vực thương mại điện tử, sự xuất hiện của những Chatbot (trợ lý ảo) ngày càng nhiều. Chatbot là một trợ lý ảo kết nối với các ứng dụng trên thiết bị điện tử để thực hiện những yêu cầu của người sử dụng qua ngôn ngữ tự nhiên.
Chatbot cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng với vai trò của nhân viên chăm sóc khách hàng. Không chỉ trả lời yêu cầu của khách hàng một cách đơn giản, các Chatbot thông minh còn chủ động cung cấp thêm cả các thông tin liên quan, lựa chọn thay thế.
Video: Phẫu thuật bằng robot và cơ hội cho bệnh nhân ung thư
Không thể cưỡng lại xu thế
Những gì đang diễn ra ở trên cho thấy cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi vào đời sống xã hội. Cho đến những ngày giữa năm 2017 này, người ta chứng kiến những công nhân đang bắt đầu bị "mất việc bởi robot".
Cách đây không lâu, lần đầu tiên, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Việt Nam đã lên tiếng về câu chuyện này. Giám đốc công ty bột giặt hoá chất cho rằng, nguy cơ robot thay thế con người là hoàn toàn có thật ở Việt Nam.
“Tương lai tôi nghĩ công ty sẽ chỉ có vài trăm công nhân, văn phòng được tự động hóa. Chúng tôi sẽ mời các nhân sự có trình độ công nghệ thông tin cao về làm việc”, doanh nhân này cho biết.
Điều ông trăn trở nhất chính là những gì đang thực sự diễn ra dưới các phân xưởng, với những công nhân Việt Nam hàng ngày phải "ấm ức" nhìn robot cướp đi việc làm của mình.
Tốc độ mất việc còn khủng khiếp hơn đối với các công nhân tại nhà máy tại Long Biên. Dây chuyền bột giặt tuổi đời hơn 20 năm ở đây, vốn có 100 người nhưng khi máy móc vào thì sẽ chỉ cần có 10-15 người vận hành.
Chuyện công nhân "mất việc bởi robot" là thực tế chính đang xảy ra tại nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương hay công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ. Công ty cổ phần ở Bình Dương cho biết vừa khảo sát và hoàn thiện các bước để đưa hơn 20 robot vào dây chuyền sơn.
Không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ và trung bình, xu hướng "robot cướp việc của con người" giờ cũng "lây lan" tới những công ty lớn. Ở Đài Loan thì Foxconn đã cắt giảm tới 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động hiện có, để thay thế bằng robot. Thống kê cho thấy ít nhất 20 công ty lớn nhất thế giới đang thực hiện sự thay đổi này. Và câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại Samsung, với hơn 100.000 công nhân hiện tại ở Việt Nam.
Theo báo cáo chi tiết về chủ đề Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì Việt Nam là nước chịu tác động mạnh mẽ bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Báo cáo dự đoán, sẽ có 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa.
Viễn cảnh robot thay thế số lượng lao động lớn ở Việt Nam đang ở gần và đã bắt đầu tác động lên xã hội, xuất hiện trong từng câu chuyện thường ngày. Đã tới lúc những người trẻ cần phải đặt câu hỏi: “Học ngành gì để không bị robot thay thế?”
Bình luận