Hải Phòng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 20/05/2023 18:00:00 +07:00
(VTC News) -

TP Hải Phòng sẽ phát triển theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc : Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Ngày 20/5, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND TP Hải Phòng, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng toàn diện, từ cấu trúc, hướng phát triển không gian đô thị, xác định quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật - môi trường... của thành phố. Đồng thời, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để TP Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hải Phòng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh - 1

Hội nghị điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được lập, TP Hải Phòng là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, cửa ngõ hướng ra biển Đông trên vịnh Bắc Bộ, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

TP Hải Phòng sẽ phát triển theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc không gian: Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Trong đó: Hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng biển Hải Phòng. Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc.

Hải Phòng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh - 2

Phối cảnh Trung tâm Chính trị - Hành chính TP Hải Phòng trong Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, TP Hải Phòng định hướng phát triển hệ thống đô thị, gồm: Khu vực đô thị trung tâm: Khu A: Khu vực đô thị nội đô lịch sử (thuộc các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền).

Các khu phố có giá trị lịch sử, kiến trúc được định hướng bảo tồn, tôn tạo các không gian, các công trình kiến trúc có giá trị cao, cải tạo cảnh quan, nâng cấp hạ tầng để tạo dựng được bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử tồn tại và phát triển.

Thành phố sẽ tái thiết các khu nhà ở, chung cư cũ xuống cấp, từng bước di chuyển ra các khu chung cư mới theo hướng hiện đại, tiện nghi; tái thiết khu vực bờ Nam sông Cấm thành một dải cảnh quan đô thị văn hóa, hiện đại.

Khu B: Khu vực đô thị mở rộng phía Bắc (thuộc huyện Thuỷ Nguyên), xây dựng huyện Thủy Nguyên trở thành thành thành phố trực thuộc thành phố vào năm 2025.

Phát triển trung tâm hành chính, chính trị, văn hoá mới của TP Hải Phòng gắn với đô thị mới Bắc sông Cấm. Khuyến khích phát triển công trình cao tầng, các công trình có kiến trúc hiện đại đặc sắc.

Phục hồi hệ sinh thái sông Giá, sông Bạch Đằng, sông Cấm, vùng núi phía Bắc huyện Thuỷ Nguyên. Khai thác tốt các yếu tố cảnh quan tự nhiên của Thủy Nguyên để phát triển đô thị sinh thái, du lịch. Xây dựng trung tâm logistic cấp vùng, dịch vụ đào tạo nghề, dịch vụ y tế , trung tâm nghề cá. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng Giang.

Hải Phòng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh - 3

Bản đồ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040 - 2050.

Khu C: Khu vực đô thị mở rộng phía Nam và Đông Nam (các quận: Hải An, Dương Kinh, Kiến An, Đồ Sơn, huyện Kiến Thuỵ), hình thành trung tâm mới cấp thành phố và vùng với trọng tâm là khu thương mại, tài chính (CBD) gắn với tuyến đường sắt mới Hà Nội - Hải Phòng.

Khu D: Khu vực đô thị mở rộng phía Tây (huyện An Dương), từng bước xây dựng huyện An Dương cơ bản đạt các tiêu chí thành lập quận vào năm 2025; bổ sung các chức năng và hạ tầng đô thị nhằm giảm tải cho trung tâm đô thị lịch sử. Phát triển trung tâm dịch vụ logistics, công nghiệp trên quốc lộ 10 và quốc lộ 5.

Khu E: Khu vực phát triển phía Đông (huyện Cát Hải), trong đó: Khu E1 - Đảo Cát Hải - Cái Tráp: Phát triển đô thị dịch vụ Cát Hải, công nghiệp, cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế. Mở rộng không gian về phía Nam để phát triển cảng quốc tế Lạch Huyện, công nghiệp, dịch vụ logistic, dịch vụ du lịch, bến tàu du lịch cao cấp.

Khu E2 - Đảo Cát Bà - Long Châu: Phát triển khu du lịch quốc gia Cát Bà thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, khu du lịch xanh thân thiện với môi trường.

Khu vực Vườn Quốc gia Cát Bà (vùng lõi): Bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực cảnh quan sinh thái, đặc biệt là khu vực Vịnh Lan Hạ; bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm.

Khu F: Phía Đông huyện Tiên Lãng và cửa sông Văn Úc, xây dựng đô thị mới Hùng Thắng phù hợp với tiến trình xây dựng sân bay Tiên Lãng. Phát triển hệ thống cảng sông Văn Úc, công nghiệp, logistics và phát triển cảng Nam Đồ Sơn.

Ngoài ra, các đô thị khác: Dự báo đến năm 2040 gồm có: Đô thị Vĩnh Bảo, Tam Cường, Tiên Lãng, Hùng Thắng, An Lão, Trường Sơn, Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Minh Đức, Cát Hải, Cát Bà, Xuân Đám, Phù Long.

Các đô thị này sẽ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn cấp huyện. Xây dựng nông thôn mới tiệm cận với tiêu chí của đô thị, tạo điều kiện để nông thôn tham gia vào quá trình đô thị hoá. 

Huyện đảo Bạch Long Vỹ hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn, phát triển dịch vụ du lịch và hàng hải gắn với an ninh quốc phòng.

Xây dựng TP Hải Phòng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, bền vững, hoàn thiện đô thị loại I và đáp ứng tiêu chí đô thị đặc biệt năm 2030.

Hải Phòng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh - 4

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng.

Theo UBND TP Hải Phòng, trên cơ sở Quy hoạch chung (QHC) được duyệt, Thành phố sẽ giao các ngành hoàn thiện hệ thống công cụ pháp lý để thực hiện QHC được duyệt gồm: Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn; Chương trình phát triển đô thị; Điều chỉnh quy hoạch phân khu các quận nội thành; Quy hoạch chung đô thị, thị trấn, quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị…

TP Hải Phòng hy vọng với các định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025 cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Và đến năm 2045 Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

Hải Phòng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh - 5

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng

Phát biểu tại hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch, ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng yêu cầu, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, hiểu được khát vọng phát triển của thành phố trong giai đoạn tới, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, để từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở nội dung quy hoạch, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khoa học, đặc biệt trong quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương của thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh và lập mới các Chương trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng như: quy hoạch chung (vùng huyện, thị trấn, đô thị mới, khu chức năng), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố được duyệt; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thành phố đảm bảo thống nhất với điều chỉnh Quy hoạch chung…

Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội và người dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Quan tâm các xu hướng mới trong phát triển đô thị như: đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quy hoạch, giúp nâng cao tính chính xác, hiệu quả, minh bạch và dự báo tốt hơn về xu hướng phát triển đô thị; tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng để quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với thực tiễn địa phương, đảm bảo tính khả thi;

Đồng thời, các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội; có giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển toàn diện của thành phố Hải Phòng.

MINH KHANG
Bình luận
vtcnews.vn