Hải Phòng từng “4 dám” vì lợi ích chung
“Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt có phẩm chất, năng lực nổi trội, có tầm nhìn chiến lược, có khát vọng, tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực, không còn uy tín, cản trở sự phát triển”.
Đây là một trong những mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng ngay trong đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, được ông Đào Trọng Đức - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng chia sẻ.
Theo ông Đức, Chương trình hành động số 02 cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó nêu rõ: “Nghiên cứu ban hành và thực hiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, vì sự phát triển của thành phố; cơ chế khuyến khích phát triển cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từ hoạt động sản xuất kinh doanh… trên cơ sở phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật, sát đúng yêu cầu nhiệm vụ”.
Trước đó, xác định tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 8/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của cấp chính quyền:
“Có cơ chế, chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ giỏi, có nhiều thành tích, cống hiến, bãi miễn những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân”.
Theo ông Đào Trọng Đức, Kết luận số 14-KL/TW là sự cụ thể hóa những nội dung đã được Đại hội XIII của Đảng quyết định. Xây dựng cơ chế tổng thể, đồng bộ, đủ mạnh để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là thực sự cần thiết, là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động của Thành ủy trong thời gian qua, đồng thời nhận thức đúng đắn về chủ trương và tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, Thành ủy Hải Phòng đã quán triệt, chỉ đạo triển khai.
Cụ thể: Tại Kế hoạch số 122-KH/TU, ngày 28/2/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đưa ra nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Tại Kế hoạch số 254-NQ/TU, ngày 31/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao năng lực công tác của cán bộ theo phương châm “2 dám, 1 biết” đó là “dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm”.
“Cùng với bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo, luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, thành phố quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, kịp thời rà soát, thay thế và điều chuyển đổi với cán bộ có năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, ông Đào Trọng Đức chia sẻ.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND Thành phố nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách (tạm thời) về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xử lý cán bộ có biểu hiện đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm trên địa bàn thành phố.
Để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và đảm bảo đồng bộ với Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan tham mưu đã nghiên cứu, tham mưu xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Những thành quả sau nhiều năm “4 dám”
Chia sẻ về những kết quả cụ thể của thành phố Hải Phòng khi vận dụng, có cách làm sáng tạo, kết quả bước đầu sau 2 năm thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, ông Đào Trọng Đức cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, nỗ lực đổi mới, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy được sức mạnh của toàn dân và đạt được những thành tựu nổi bật, có tính đột phá, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt chủ trương của Đảng bộ thành phố Hải Phòng về đổi mới công tác đầu tư, khơi thông mọi nguồn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã có tính đột phá quan trọng.
Từ nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển, thành phố Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông. Hải Phòng là địa phương có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại; không gian đô thị được mở rộng, phát triển theo đúng quy hoạch.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, tổ chức thực hiện có hiệu quả, chú trọng tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
“Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Hải Phòng là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trình độ và năng lực nổi trội luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung”, ông Đức vui mừng chia sẻ.
Cũng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy và các cấp ủy tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, luôn duy trì phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, vững vàng trước khó khăn, thách thức, đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ chính trị với nhiều đổi mới, đạt được kết quả quan trọng, là động lực thúc đẩy tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025
Cụ thể, đến nay, thành phố Hải Phòng đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể hóa Nghị quyết số 35/2021/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, là nền tảng, động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.
Bên cạnh Nghị quyết riêng có dành cho thành phố Hải Phòng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục là nguồn động lực để Hải Phòng khẳng định vị thế là vùng động lực phát triển hàng đầu, góp phần quan trọng dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng thành phố Hải Phòng thực hiện là đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, thông qua sản phẩm, giảm định tính, tăng định lượng.
Ngày 8/9/2023, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Công văn số 1033-CV/TU bổ sung và lượng hóa một số tiêu chí cơ bản trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm, trong đó có tiêu chí khuyến khích (điểm cộng) đối với cá nhân được cấp có thẩm quyền công nhận có thành tích xuất sắc trong đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ, có sản phẩm cụ thể.
Để nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khích lệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thành phố Hải Phòng chú trọng tổng kết mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng gắn với các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa.
Nói về Nghị định 73 của Chính phủ, ông Đào Trọng Đức cho rằng, đây là hành lang pháp lý quan trọng, khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm cống hiến, mạnh dạn xử lý những việc khó, chưa có tiền lệ, tháo gỡ những “điểm ghẽn”, khơi thông nguồn lực để phát triển.
“Nhận thức tầm quan trọng của Nghị định, hiện nay UBND thành phố Hải Phòng đang giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện Nghị định này”, ông Đức thông tin.
Bình luận