Xây dựng Đảng

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn

Thứ Ba, 17/10/2023 09:56:00 +07:00

(VTC News) - "Kết luận 14, tiếp đến là Nghị định 73 ra đời xuất phát từ sự chín muồi của lý luận, những bài học thực tiễn và bước đầu giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay".

Điều này được ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) - khẳng định.

Cùng tâm niệm ấy, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - bày tỏ, mỗi khi đất nước đứng trước thời vận chuyển mình Đảng luôn luôn có chủ trương phù hợp để có những cán bộ đi đầu và đội ngũ cán bộ phát triển vượt bậc đáp ứng được tình hình mới.

"Kết luận 14 và Nghị định 73 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là hết sức đúng đắn để đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới", ông Nguyễn Túc nói.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 1

 

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 2

 

Người đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng Nguyễn Túc luôn tâm đắc với những điều ông học được từ vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông hồi tưởng sự kiện đầu năm 1955, tại Hà Nội có tổ chức mít tinh và sau đó là tiệc chào mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt trở lại Thủ đô. Tiệc tan, Bác Hồ mời các vị thành viên Chính phủ qua các thời kỳ cùng các nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận Liên Việt ở lại hàn huyên, tâm sự.

Mở đầu câu chuyện, Bác nói đại ý: Mười năm trước, khi Nhân dân ta vừa giành được độc lập, tự do, trong Chính phủ lâm thời, một số vị yêu cầu tôi phải "xử lý" một số nhân sĩ, trí thức, trong đó có các cụ Vi Văn Định, Phan Kế Toại.

Hôm đó, tôi có phát biểu: Đời tôi cho đến nay chưa làm điều gì có hại cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Xin các cụ, các đồng chí cho tôi một đặc ân là được bảo lãnh hai cụ Phan Kế Toại và Vi Văn Định.

Đến nay, tôi rất vui khi cụ Phan Kế Toại là Phó Thủ tướng, cụ Vi Văn Định là đại biểu Quốc hội. Cả đại gia đình hai cụ đều đi theo cách mạng và có nhiều đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc.

"Đó là sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Đảng ta trong công tác cán bộ để thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc, trong thời điểm cách mạng khó khăn cần phải tập hợp lực lượng tối đa", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 3

 

Cũng từ lời dạy của Bác mà Đảng ta, đất nước ta đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ câu chuyện về dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của thời đại Hồ Chí Minh liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

"Đó là khi pháo binh ta vừa vào đến trận địa thì lại được lệnh phải lui quân và kéo pháo ra. Quyết định đó đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng ngàn con người đã đổ xuống trên đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua...", ông Hà nhớ lại.

Theo ông, Tướng Giáp dám chịu trách nhiệm về quyết định này vì ông luôn ghi nhớ lời dặn của Bác Hồ dặn trước lúc ra chiến trường: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".

Lời căn dặn của Bác Hồ trở thành kim chỉ nam trong tư duy chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đối mặt với kẻ thù, trong trận quyết chiến chiến lược mang ý nghĩa sống còn với lịch sử dân tộc.

Đại tướng đã cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đưa ra quyết định có thể nói là khó nhất trong sự nghiệp cầm quân của mình: "Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương án tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc".

Ông Hà kết lại câu chuyện: "Muốn có những cán bộ dám chịu trách nhiệm như thế thì rất cần những chủ trương đúng đắn từ người đứng đầu của Đảng, sự đồng hành thống nhất nhận thức của tập thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân".

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 4

 

…Những năm 1966 - 1967, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc trăn trở, băn khoăn trước những khoảnh ruộng “năm phần trăm” thì lúa tốt bời bời, ruộng hợp tác thì tốt rơm mà thóc lép; người nông dân cần mẫn trên mảnh ruộng riêng còn rong công phóng điểm trên cánh đồng hợp tác…

Vị Bí thư Tỉnh ủy đi sâu khảo sát thực tế, nhưng suy nghĩ như người nông dân Kim Văn Nguộc (tên cúng cơm của ông Kim Ngọc) ông thấy được điểm sáng hiệu quả kinh tế từ cách nghĩ của người nông dân.

Nhưng điều này dường như không phù hợp với lý luận, với chính sách của thời kỳ đó. Với động cơ trong sáng thương dân, vì dân, người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy đã bàn bạc, thuyết phục để tìm sự đồng thuận trong Ban Thường vụ và họ đã dám xé rào để… Khoán hộ.

Bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên thể hiện ở chỗ dám chịu trách nhiệm dù cho phải một thời gian dài sau đó cách làm của ông Kim Ngọc mới được coi là đúng chứ thời điểm đó chưa được thừa nhận, thậm chí còn bị phê phán.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - khái quát về người cán bộ Đảng từng tạo ra một nét mới trong lý luận và thực tiễn quản lý nông nghiệp: "Điều đó phản ánh tư duy của người lãnh đạo rất năng động, sáng tạo để thúc đẩy sản xuất, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo tính đúng đắn của chủ trương chính sách chứ không phải lấy khuôn mẫu, quan điểm tập thể hóa, hợp tác hóa. Đấy là một sự đáng quý ở người lãnh đạo".

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 5

 

Thời kỳ Đổi mới, trong Đảng lại xuất hiện những nhà lãnh đạo năng động,  sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân như các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…

Ông Nguyễn Túc nhắc đến ông Nguyễn Văn Linh - vị lãnh đạo trung kiên của cuộc cách mạng giải phóng đất nước, nhưng đến khi đất nước giải phóng là một tấm gương của người cán bộ nhạy bén với thực tiễn, ham học hỏi để kiên trì với tư duy mới: Phải quản lý kinh tế bằng biện pháp và quy luật kinh tế chứ không thể bằng cách quản lý hành chính.

Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của TP.HCM đã được vị Bí thư Thành ủy đúc kết có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn, đóng góp quan trọng để hình thành những quan điểm đổi mới của Đảng. 

Khi tham gia vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V, sau đó vào tháng 6/1986 ông Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư, ông đã cùng Tổng Bí thư Trường Chinh, tập thể Bộ Chính trị đề ra những quyết sách lớn, hết sức quan trọng hình thành đường lối Đổi mới của Đảng.

Khi tổng kết lại những vấn đề về lý luận của thời kỳ Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh tới yếu tố dám nghĩ, dám làm trong công tác cán bộ nhiệm kỳ của mình.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 6

 

Qua bước thăng trầm trong sự nghiệp chính trị của những cán bộ Đảng có uy tín nổi bật trong một thời kỳ cam go của đất nước, ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ: "Không phải bất kỳ chủ trương, chính sách nào của Đảng, Nhà nước cũng phù hợp trong một giai đoạn nào đó. Có cái ngay trong bản thân chủ trương chưa đúng lắm, cộng với trong quá trình tổ chức thực hiện lại sai nữa. Từ đó mới thấy vai trò, ý nghĩa của việc dám đổi mới nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ".

Rồi ông Hà cười sảng khoái nhắc tới câu chuyện ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy TP.HCM - thành lập "Tổ buôn lậu gạo của Thành ủy". Với quyết định đột phá của ông, không chỉ 3,5 triệu người dân TP.HCM khỏi bị đói mà 10 triệu nông dân thời đó cũng không phải bán lúa lỗ vốn với giá chỉ định phi thực tế của Ủy ban Vật giá Nhà nước: 0,52 đồng/kg trong khi giá thị trường là 3 đồng/kg.

Ông Hà nói mình may mắn được chứng kiến nhiều thay đổi vượt bậc của đất nước khi ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Đường dây 500 kV Bắc - Nam mà Thủ tướng chính là vị Tổng Công trình sư về chủ trương, chính sách, tháo gỡ khó khăn.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 7

 

"Khi bàn và quyết định đường dây 500 kV rất nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí hiểu nhầm, quy chụp về động cơ của Thủ tướng", ông Hà nói. Nhưng với những đột phá quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, công trình đã được hoàn thành trong khoảng thời gian như "không tưởng" - 2 năm. Thành công của công trình thế kỷ này cũng chính là dấu ấn của đất nước.

"Có thể nói, nếu những người đứng đầu không dám quyết đáp mạnh thì khi gặp lực cản sẽ rất dễ chùn bước. Tất nhiên, họ phải là những người dày dặn kinh nghiệm thực tiễn, thấm nhuần lý luận và vì lợi ích của Nhân dân thì mới có bản lĩnh vượt qua khó khăn", ông Nguyễn Đức Hà đánh giá.

Các chuyên gia, cán bộ nhiều năm tuổi Đảng đều khẳng định: Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm khi thực hiện trọng trách trước Đảng, trước Nhân dân thì dù cho một lúc nào đó quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng, nhưng nếu động cơ của họ trong sáng, vì lợi ích chung, có kết quả cao trong thực tiễn thì Đảng và Nhân dân luôn ghi nhớ và đánh giá công bằng.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 8

 

"Nhiều người thắc mắc trong thời gian qua đã có rất nhiều tấm gương như chúng ta vừa điểm lại, nhưng tại sao đến bây giờ mới có Kết luận 14? Tôi trả lời: Để ra đời Kết luận 14 thì phải có cả căn cứ lý luận và căn cứ thực tiễn chín muồi trong một thời điểm thích hợp", ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.

Căn cứ lý luận mà ông Hà nhắc đến chính là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

"Từ đó chúng ta thấy cần phải nhận thức rằng, muốn phát triển đất nước, không thể trông cậy vào một người, mà phải cả dân tộc. Và làm sao khơi dậy khát vọng của cả dân tộc nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, của những cán bộ đảng viên dám hy sinh quên mình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ?", ông Hà đặt vấn đề.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 9

 

Theo ông, Kết luận 14 ra đời trên cơ sở Đề án "Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" mà Ban Tổ chức Trung ương soạn thảo.

Thoạt đầu, nó được gọi là Quy định. Nhưng nếu vậy thì chỉ có thể thực hiện trong 5,2 triệu đảng viên và các cơ sở Đảng. Sau khi xem xét báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị thấy rằng đây là một chủ trương lớn của Đảng nên sửa đổi và ban hành Kết luận 14.

Ông Hà nhận thức, từ chủ trương của Đảng về công tác cán bộ trong tình hình mới, trước mắt Ban cán sự Đảng Chính phủ có cơ sở để thể chế hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật để không những chỉ đảng viên mà cả đội ngũ cán bộ công chức viên chức thực hiện. Chính vì thế mà Nghị định 73 đã được ban hành sau đúng 2 năm.

Điều này phù hợp với tinh thần Cương lĩnh của Đảng: Trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.

Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước là công cụ mạnh mẽ nhất, sắc bén nhất, hiệu quả nhất để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

Ngoài những bài học thực tiễn từ khi thành lập Đảng, nổi bật là thời kỳ Đổi mới thì thời gian qua chúng ta đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh thế giới và trong nước trải qua những khó khăn ở cấp độ toàn cầu.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 10

 

Với hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện, có những vấn đề chưa theo kịp thực tiễn nên ranh giới giữa đúng và sai, giữa khen và chê cũng rất mong manh khiến một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết đáp mặc dù công việc thuộc thẩm quyền của mình… Đâu đó có những cán bộ còn mang tâm lý thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử.

Kết luận 14 ra đời là sự vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn với cặp quan hệ biện chứng: Khuyến khích và Bảo vệ những cán bộ đảng viên năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Kết luận tuy ngắn gọn nhưng đã chỉ ra bài học kinh nghiệm của Đảng qua hơn 35 năm Đổi mới; làm rõ tiêu chí của người cán bộ năng động, sáng tạo; cách thức đề xuất các ý tưởng mới, sự giám sát, tạo điều kiện, bảo vệ cán bộ của tập thể lãnh đạo...

Ngay sau khi Kết luận 14 được ban hành, đất nước ta đã thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Chiến thắng này nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân.

Đó là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp, Nghị quyết 30/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV được ban hành đã thống nhất việc Chính phủ, Thủ tướng được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 11

 

Đây là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.

Và từ đó, người đứng đầu Chính phủ có những quyết định quan trọng trong công tác phòng chống dịch như dỡ bỏ các lệnh cách ly cực đoan, vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế…

Những hình ảnh cụ thể mà người dân không thể quên là chiến dịch ngoại giao vaccine để có đủ thuốc men bảo vệ người dân thoát khỏi sự cách ly tuyệt đối, từng bước trở lại cuộc sống lao động bình thường để giữ vững và phát triển kinh tế.

"Những quyết sách, quyết định được thông qua dựa trên sự thống nhất của tập thể, nhưng chúng ta phải thấy rằng nếu không có sự quyết tâm của cán bộ cấp chiến lược thì khó mà thực hiện. Đó cũng chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đang được Kết luận 14 khuyến khích và bảo vệ", ông Nguyễn Đức Hà nhận xét.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: Sự chín muồi của lý luận và thực tiễn - 12

 

Bình luận
vtcnews.vn